Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Bonn, Đức từ ngày 16-17/2.
Đây là lần đầu tiên nước chủ nhà Năm APEC không phải là thành viên G20 được mời dự hội nghị.
Việc tham dự hội nghị năm nay nhằm khẳng định đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; thể hiện vai trò nước chủ nhà APEC 2017 về thúc đẩy hợp tác, liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thương mại, đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn trong khi tiến trình G20 đang bước vào giai đoạn định hình hướng phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Với chủ đề “Định hình trật tự toàn cầu- chính sách đối ngoại vượt lên quản lý khủng hoảng”, hội nghị sẽ tập trung thảo luận ba nhóm vấn đề tương ứng với ba phiên: Chương trình Nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, duy trì hòa bình trong một thế giới phức tạp, và hợp tác với châu Phi.
Về Chương trình Nghị sự 2030, hội nghị sẽ thảo luận vai trò, đóng góp của kênh Ngoại giao G20, thúc đẩy các thể chế hiệu quả và bao trùm trong triển khai Chương trình Nghị sự; thực hiện cam kết hướng tới một trật tự thế giới công bằng và bao trùm hơn.
Các bộ trưởng sẽ thảo luận cách thức G20 thúc đẩy “duy trì hòa bình” thành hành động cụ thể; nâng cao vai trò và năng lực của Liên Hợp Quốc trong xây dựng hòa bình, ngăn ngừa xung đột; nhận diện sớm khủng hoảng tiềm năng và ngăn ngừa khủng hoảng.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận việc hỗ trợ châu Phi đạt được mục tiêu dân chủ, an ninh và phát triển; thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa và thương mại; giải quyết vấn đề buôn người, cải thiện quản lý di cư…
Theo Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng, chủ đề và trọng tâm nghị sự của G20 có nhiều điểm tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và APEC trong Năm APEC như cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới-sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới.
Nhóm G20 được thành lập năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á 1997 – 1998.
Thành viên G20 bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italy, Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và EU./.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()