Việt Nam - Thái Lan, 45 năm hợp tác cùng phát triển
Trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Thái Lan đã không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, gặt hái được nhiều thành quả trên các lĩnh vực.
Ngược dòng lịch sử đúng 45 năm về trước, vào ngày 6-8-1976, Việt Nam và Thái Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo cơ sở và tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Sau chuyến thăm chính thức Thái Lan vào tháng 9-1978 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, quan hệ hai nước bắt đầu khởi sắc. Từ năm 1991, quan hệ hai nước ngày càng được cải thiện và phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Năm 2004, hai nước đã tiến hành họp Nội các chung lần thứ nhất. Đây là cơ chế hợp tác song phương tầm vĩ mô do thủ tướng hai nước đồng chủ trì, đề ra các định hướng lớn trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Khuôn khổ cho quan hệ Việt Nam-Thái Lan bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết là khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 6-2013. Kể từ tháng 7-2015, Việt Nam và Thái Lan đã trở thành đối tác chiến lược tăng cường.
Thủ tướng Thái Lan Kriangsak Chomanan và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau cuộc hội đàm tại thủ đô Bangkok, tháng 9-1978. Ảnh: TTXVN |
Cho đến nay, quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực. Hai nước đều khẳng định coi trọng và quyết tâm phát triển quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan ngày càng sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, ở các cấp và trên các lĩnh vực. Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, hai bên đã linh hoạt triển khai hiệu quả các cuộc tiếp xúc trực tuyến cấp cao và các cấp. Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục là điểm sáng khi Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho đi lại, đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 25 tỷ USD.
Trong khi đó, kể từ khi trở thành Đối tác chiến lược, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Thái Lan không ngừng phát triển tích cực, thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu sĩ quan, đào tạo ngôn ngữ và hợp tác trên các lĩnh vực không quân, hải quân. Đặc biệt, các cơ chế đối thoại hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập từ cấp chiến lược đến cấp triển khai và ngày càng phát huy hiệu quả.
Trên cơ sở quan hệ chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư, quốc phòng tin cậy, gắn bó, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, lao động, giao lưu nhân dân ngày càng được mở rộng và phong phú, đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiểu biết và vun đắp thêm cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Không những vậy, Việt Nam và Thái Lan còn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các cơ chế hợp tác tiểu vùng như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS), Ủy hội sông Mê Công (MRC), hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), hợp tác Mê Công-Lan Thương; gắn kết phát triển tiểu vùng Mê Công với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; thúc đẩy tiến trình phê chuẩn và thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Không thể phủ nhận rằng trong 45 năm qua, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã có những bước tiến vượt bậc, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Cùng là thành viên ASEAN, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, Việt Nam và Thái Lan càng cần phát huy hơn nữa thành quả của mối quan hệ hữu nghị truyền thống gần nửa thế kỷ qua để cùng vượt qua khó khăn, hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển chung của khu vực và trên thế giới.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()