Việt Nam sẽ là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ
Ngày 3-3, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khai mạc Hội nghị cấp cao Khóa họp thứ 25. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Đây là lần đầu Việt Nam tham dự với tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào việc thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Với tư cách là nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, Phó Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam mong muốn Hội đồng Nhân quyền ưu tiên đến những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, thiểu số và quan tâm đầy đủ hơn các nước đang phát triển trước các khó khăn, thách thức hiện nay. Phó Thủ tướng cam kết, Việt Nam sẽ là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ và là đối tác tin cậy, trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các nước trên các vấn đề cùng quan tâm về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế, đối phó biến đổi khí hậu và ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, đồng thời chia sẻ với các nước những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam thời gian qua để bảo đảm chất lượng cuộc sống và việc thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền cho người dân ở mọi lĩnh vực. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 5/8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và có triển vọng hoàn thành các mục tiêu còn lại trước thời hạn 2015, là một trong mười nước có mức tăng thu nhập cao nhất trong 40 năm qua theo Báo cáo chỉ số phát triển con người của Chương trình Phát triển LHQ. Phó Thủ tướng cũng nêu bật những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được về phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chỉ số phát triển con người, bảo đảm đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, tự do thông tin và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống. Bất chấp một số khó khăn kinh tế một phần do tác động của tình hình kinh tế – tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn đẩy mạnh các chính sách bảo đảm cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, các dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn khác.
Riêng năm 2011-2012, hơn một tỷ USD đã được đầu tư để hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi, miễn giảm học phí và trợ cấp tiền ăn cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số…
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh bản Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28-11-2013 dành riêng 36 điều/120 điều nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, là bước tiến đáng kể của việc củng cố nhà nước pháp quyền, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người của Việt Nam.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()