Việt Nam sẽ đề xuất tầm nhìn mới tại APPF-26
Chiều ngày 17/1, tại Hà Nội, đã diễn ra Họp báo về Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26).
Hình ảnh tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Thùy Dung |
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đây là lần thứ hai Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh diễn đàn tròn 25 năm hình thành và phát triển với mục tiêu tăng cường trao đổi giữa các nghị sỹ về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại và văn hóa. Đây cũng là kênh hỗ trợ quan trọng cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Và để ghi dấu ấn 25 năm thành lập, đề ra một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương. Bản tuyên bố này sẽ bảo đảm tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua.
Đoàn Việt Nam đã hoàn thiện 6 dự thảo Nghị quyết do Quốc hội Việt Nam chủ động đề xuất, bao gồm: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực; vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, APPF-26 được chia thành nhiều phiên họp chính như: Phiên họp nữ nghị sĩ APPF, 4 phiên toàn thể về các vấn đề chính trị và an ninh; kinh tế và thương mại; hợp tác phát triển trong khu vực; thảo luận về tương lai APPF…
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, đã có tổng cộng 22 đoàn Nghị viện đăng ký tham dự APPF-26. Theo đó, tổng số đại biểu quốc tế tham dự là 355. Ngoài ra, phía chủ nhà Việt Nam sẽ có khoảng từ 50-70 đại biểu tham dự Hội nghị này.
Các đoàn có số lượng đại biểu tham dự nhiều nhất là Indonesia (50 đại biểu), Nhật Bản (36 đại biểu), Campuchia và Mexico (26 đại biểu), Malaysia (25 đại biểu), đặc biệt là Canada có 18 đại biểu nhưng có tới 14 đại biểu Quốc hội…
Diễn đàn APPF được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên gồm Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, Nghị viện Brunei tham gia với tư cách là quan sát viên.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()