Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài
Tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị thường niên lần thứ 52 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 23 và 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tham dự và phát biểu tại các phiên họp về “Một ASEAN số cho tất cả người dân” và Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo về “Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững”; hội kiến Tổng thống Litva và tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ, Bộ trưởng Ngoại giao Peru, Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ.
Phát biểu tại các phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số, nghiên cứu-phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững cần được triển khai đồng bộ ở ba cấp độ toàn cầu, quốc gia và doanh nghiệp.
Tại cuộc hội kiến Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, hai bên khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Litva. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị hai bên đẩy mạnh các cơ chế hợp tác song phương, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tổng thống Gitanas Nauseda mong muốn Việt Nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp Litva tiếp cận thị trường Việt Nam.
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ; đề nghị hai bên tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế. Bộ trưởng Guy Parmelin mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Peru César Rodrigo Landa, hai bên bày tỏ vui mừng thấy quan hệ song phương tiếp tục phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý song phương để đưa quan hệ song phương vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Tại cuộc tiếp Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, Phó Thủ tướng đề nghị OECD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong những lĩnh vực OECD có thế mạnh như tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới sáng tạo… Tổng Thư ký OECD khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của OECD tại Đông Nam Á và sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Tại cuộc tiếp Bộ trưởng, Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ Jan Jambon, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ nhiều biện pháp phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, cũng như giữa vùng Flanders và Việt Nam; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác để Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm được các cơ quan của Bỉ phê duyệt; mong muốn Bỉ và EU tăng cường đầu tư vào khu vực Mekong và đồng bằng sông Cửu Long…
Thủ hiến Jan Jambon cam kết sẽ vận động 5 vùng khác của Bỉ phê chuẩn để EVIPA sớm có hiệu lực và thúc đẩy đầu tư, hợp tác của vùng với Việt Nam.
Ý kiến ()