Việt Nam sẵn sàng mọi kịch bản để phòng, chống dịch Covid-19 thành công
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Không có chuyện “vỡ trận” trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp với hơn 30 ca mắc mới được phát hiện tại Việt Nam trong tuần qua, có nhiều ý kiến lo ngại khi xảy ra trường hợp số người mắc tăng nhanh và dịch lây lan rộng thì liệu chúng ta có bị “vỡ trận” giống như tình trạng xảy ra tại các nước Hàn Quốc, Italy, Iran… hay không?
Về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khẳng định, không có chuyện chúng ta “vỡ trận” trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay chúng ta bước vào giai đoạn 2 của phòng chống dịch với những kịch bản đã được xây dựng trước đó. Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Chính phủ và cả hệ thống đã vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch bệnh và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh dịch. Điều quan trọng lúc này chính là người dân cần bình tĩnh, sát cánh cùng Chính phủ, nhân viên y tế trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, bên cạnh công tác kiểm soát bệnh dịch tại cộng đồng mà chúng ta đang làm rất tốt, thì trong công tác khám chữa bệnh, hiện Việt Nam đã lên phương án và chuẩn bị hậu cần, nhân lực và các điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu điều trị cho 10.000 người bệnh mắc Covid-19.
Ảnh: Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta có hơn 1.400 bệnh viện công lập, hơn 200 bệnh viện ngoài công lập và 11.000 Trung tâm Y tế. Cùng với đó, chúng ta đã có phân tuyến điều trị rõ ràng, với hàng trăm cơ sở khám, chữa bệnh có khả năng đáp ứng bệnh nhân truyền nhiễm. Ngoài ra chúng ta còn có hệ thống quân y hỗ trợ.
Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng đã có Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 từ xa, luôn sẵn sàng với đội ngũ các chuyên gia 28 chuyên ngành hỗ trợ tuyến dưới.
Do đó, chúng ta hoàn toàn có khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cả trong điều trị lẫn công tác chống lây lan ra cộng đồng.
Chúng ta có phác đồ điều trị được đánh giá là hiệu quả
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện nay công tác điều trị cho bệnh nhân dương tính với Covid-19 chủ yếu dựa vào triệu chứng vì chưa có thuốc đặc hiệu. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có tiểu sử bệnh nền thì cần phải đặc biệt quan tâm và theo dõi sát. Kết quả điều trị khỏi cả 16/16 ca mắc Covid-19 trong giai đoạn 1 là tương đối khả quan.
Ngay từ những ngày đầu khi có thông tin về dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo quyết liệt ngành y tế và các bộ, ngành liên quan phòng chống dịch Covid-19.
Trong hệ thống khám chữa bệnh, ngành y tế đã ngay lập tức họp hội đồng chuyên môn với các giáo sư đầu ngành. Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn trên cơ sở hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, có tham khảo kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới như Trung Quốc và Nga. Do đó, đối với căn dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã có hướng dẫn điều trị cập nhật ngay từ những ngày trước Tết Âm lịch.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi.
Sau đó, Việt Nam tiếp tục tập huấn triển khai một cách quyết liệt các phác đồ hướng dẫn điều trị cho các bệnh viện. Ngay sau khi điều trị khỏi cho ba bệnh nhân ra viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam đã tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị một lần nữa, đưa ra những chiến lược điều trị cụ thể từ hướng dẫn đón tiếp ban đầu, cách ly người bệnh đến sử dụng thuốc, dịch truyền và phương tiện cấp cứu cần thiết nhất cho bệnh nhân nặng bằng phương tiện hiện đại nhất.
Thêm vào đó, Việt Nam hiện đã tổ chức tập huấn cho tất cả các nhân viên y tế ở các tuyến sẵn sàng đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là đề cao việc nhân viên y tế bảo vệ chính mình, bảo vệ người bệnh, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, thời gian qua chúng ta đã luôn đi trước khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và đã có những kết quả khả quan bước đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới như hiện nay thì chúng ta tuyệt đối không được lơ là và chủ quan khi công tác phòng chống dịch bệnh bước vào giai đoạn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()