Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài viết “Đối tác vì Hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ.”
Nhân dịp Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài viết “Đối tác vì Hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ.”
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:
Đối tác vì Hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ
Ngày 7/6/2019, trong khuôn khổ Khóa 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã được đông đảo các quốc gia thành viên tín nhiệm cao bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.
Trong lần đầu tiên tham gia vào công việc của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã nỗ lực rất cao và được các thành viên Liên hợp quốc hợp tác, ủng hộ và đã đảm nhiệm thành công nhiệm vụ của mình, góp phần đề cao tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời có những sáng kiến cụ thể, thực chất về nội dung cũng như giúp cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Với chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm và tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ trên thế giới, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM)…; chủ trì thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, mà gần đây là Năm APEC 2017 và Hội nghị hợp tác WEF-ASEAN 2018, qua đó khẳng định khả năng chủ động tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực.
Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, lần đầu tiên triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (tháng 10/2018) và mới đây hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ lần thứ hai (tháng 2/2019), từng bước phát huy vai trò “trung gian, hòa giải” trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng, thế và lực của đất nước đã được nâng lên. Kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GDP tăng bình quân 6,67%/năm, năm 2018 tăng 7,08%, tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Việt Nam nằm trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc MDG 2015, nhất là về giảm nghèo. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 28 nước, trong đó có tất cả các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội to lớn và đường lối đối ngoại rộng mở: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, không chỉ giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, mà còn giúp Việt Nam tiếp tục đóng góp chủ động và tích cực hơn vào đời sống chính trị khu vực và thế giới.
Bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, với những tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan tỏa trên toàn cầu, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, là khát vọng thiết tha của mọi quốc gia, dân tộc, nhưng thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức về hòa bình và an ninh.
Chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói và chậm phát triển vẫn là những mối đe dọa thường trực ở nhiều khu vực. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, việc theo đuổi sức mạnh cường quyền, đi ngược luật pháp quốc tế đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia.
Các vấn đề toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đã vượt quá năng lực giải quyết của bất cứ một quốc gia riêng lẻ nào, dù đó là siêu cường, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, hợp tác đa phương, với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, đang đứng trước cả những thách thức và cơ hội. Liên hợp quốc và trực tiếp là Hội đồng Bảo an, với chức năng ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, kiến tạo và gìn giữ hòa bình, từ thực tiễn của gần 75 năm tồn tại và phát triển, cần và phải là trung tâm hợp tác, huy động được tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia vừa và nhỏ, tham gia, đóng góp nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mình trong việc tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững cho các thách thức toàn cầu hiện nay.
Từng trải qua những năm dài chiến tranh và hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, tạo dựng môi trường hòa bình cho phát triển, người dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình. Việt Nam có kinh nghiệm, có khả năng và đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Thật vinh dự và tự hào khi Việt Nam chúng ta được cộng đồng quốc tế tín nhiệm với mức rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra và tinh thần Chỉ thị 25/CT-TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, theo đó Việt Nam “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc,” góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước, đồng thời thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm, tham gia đóng góp vào xây dựng một trật tự thế giới hòa bình, công bằng, dân chủ và tiến bộ.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định vị thế đất nước và nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế, tự tin tiếp bước đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác trên thế giới, thể hiện hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, năng động và yêu chuộng hòa bình, thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vào một thế giới đối thoại đa chiều, tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác bình đẳng, cùng phát triển.
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đồng thời sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây là trọng trách rất lớn, là “trách nhiệm kép,” cũng là cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế.
Với thế và lực mới của đất nước, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ hợp tác cùng nhau thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và vận dụng, phát huy sáng tạo, linh hoạt tư tưởng phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh về hòa bình và hợp tác quốc tế, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta” (trích “Hồ Chí Minh Toàn tập,”tập 7, trang 228.)
Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thực sự trở thành “Đối tác vì Hòa bình bền vững,” và mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của các nước thành viên Hội đồng Bảo an , các thành viên Liên hợp quốc để cùng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một hành tinh xanh, và màu cờ xanh của Liên hợp quốc sẽ mãi là màu xanh của hòa bình, của phát triển bền vững và là màu xanh của niềm tin và hy vọng vào tương lai tươi sáng./.
Ý kiến ()