Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững
Sáng 21/10, phát biểu trong Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững, đồng thời tham gia vào nỗ lực chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh vẫn là lựa chọn chiến lược
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng tham dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh năm 2024; đồng thời đánh giá cao chủ đề lần này – "Kiến tạo Tương lai xanh" và nhận định Diễn đàn đã trở thành sự kiện thường niên quy mô, uy tín hàng đầu Việt Nam, một hình mẫu về hợp tác công tư trong tăng trưởng xanh.
Gần một năm đã qua kể từ Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2023, với nỗ lực của thế giới cũng như của khu vực, chuyển đổi xanh vẫn tiếp tục được duy trì, thúc đẩy, tiếp thêm động lực mới nhờ các cam kết toàn cầu, đơn cử như tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tháng 9/2024 vừa qua.
"Đây thực sự là tín hiệu tích cực cho thấy quyết tâm thúc đẩy tương lai xanh của cộng đồng quốc tế vẫn không hề lay chuyển, cho dù chúng ta đang đối mặt với hàng loạt thách thức từ kinh tế đến địa chính trị, từ thiên tai đến khủng hoảng do con người gây ra, tác động nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trên thế giới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, trong một thế giới nhiều xung đột cục bộ, hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Trong một thế giới biến động, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh vẫn là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược của các quốc gia và hy vọng cho các thế hệ tương lai. Để kiến tạo Tương lai xanh, phải có tư duy xanh, tầm nhìn xanh, kết hợp với công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh.
Với chủ trương "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát, xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu giảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việt Nam đạt kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xanh
Khẳng định phương châm "phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam đã linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng rất quyết liệt trong triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cụ thể là ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon, điển hình như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến 2030; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh…
Đồng thời, hoàn thiện các chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, nổi bật là Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Điện lực đang được sửa đổi.
Cùng với đó, từng bước phát triển các thị trường quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên, tín chỉ carbon… với mong muốn song hành và hội nhập với thế giới trong lĩnh vực xanh. "Tôi vui mừng thông báo: Việt Nam đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và dự kiến sẽ triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Ngoài ra, nhóm giải pháp cũng đang được triển khai tích cực là khơi thông nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 16 dự án phát triển bền vững với vốn vay khoảng 2,5 tỷ USD.
Tiếp theo, Chính phủ cùng với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon, tiêu chuẩn môi trường-xã hội-quản trị (ESG).
Đáng chú ý, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và xác định các dự án quan trọng trong khuôn khổ sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC). Với mong muốn chung tay với quốc tế thúc đẩy tiến trình xanh hóa toàn cầu, dù là nước đang phát triển, còn hạn chế về nguồn lực và chủ yếu đang tiếp nhận đầu tư, viện trợ xanh, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) vào năm 2025.
"Chúng tôi tin rằng việc tổ chức một diễn đàn tiên phong về đối tác công - tư cho tăng trưởng xanh sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác và thu hút tài chính xanh cho các nước đang phát triển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chia sẻ quan điểm.
Lấy kinh tế xanh là lĩnh vực đột phá về hợp tác Việt Nam - EU
Sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt Nam – EU đã phát triển toàn diện. Nỗ lực đi tiên phong của EU trong xây dựng nền kinh tế châu Âu và toàn cầu xanh thể hiện qua những sáng kiến quan trọng như Thoả thuận xanh, Cửa ngõ toàn cầu, Chiến lược kinh tế biển, kinh tế số... và các cơ chế, tiêu chuẩn về phát thải. Theo Phó Thủ tướng, đây là động lực và là kinh nghiệm quý để Việt Nam theo đuổi mục tiêu một nền kinh tế xanh, bền vững và trung hòa carbon vào năm 2050. Phát triển xanh và bền vững tiếp tục là quan tâm chung và cam kết của Việt Nam - EU.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu một số nội dụng trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, lấy phát triển kinh tế, đặc biệt lấy kinh tế xanh làm một trong những lĩnh vực đột phá về hợp tác.
Cụ thể, thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua triển khai hiệu quả hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để đưa hợp tác song phương phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
Thứ hai, nghiên cứu và triển khai một số dự án hợp tác hải đăng để thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư, hợp tác nhiều bên về chuyển đổi xanh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh của mỗi bên. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu của EU về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Đề nghị các thành viên EU chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế và triển khai các dự án về hydrogen xanh.
"Chúng tôi sẵn sàng cùng EU thúc đẩy các sáng kiến về tăng trưởng xanh thông qua chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện về thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, thúc đẩy triển khai JETP trở thành một mô hình hợp tác kiểu mẫu và là cầu nối thúc đẩy quan hệ EU-ASEAN phát triển hơn nữa", Phó Thủ tướng cho biết.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu phát triển, các doanh nghiệp châu Âu có thể xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…
Thứ tư, đề nghị EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay như tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, số và tuần hoàn.
Thứ năm, hai bên tăng cường trao đổi, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác.
Bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, trong nỗ lực triển khai nền ngoại giao thời đại mới, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam quyết tâm cùng EU đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển xanh và bền vững của khu vực và thế giới, vì một hành tinh xanh và một tương lai xanh./.
Ý kiến ()