Việt Nam qua ống kính của nhà báo Argentina mất tích tại Sài Gòn
Ngày 9/7 Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam khai mạc triển lãm chuyên đề “Câu chuyện từ chiếc máy ảnh.”
Nhân dịp kỷ niệm 203 năm ngày Lễ Độc lập nước Cộng hòa Argentina, ngày 9/7 Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam khai mạc triển lãm chuyên đề “Câu chuyện từ chiếc máy ảnh.”
Triển lãm trưng bày 130 hình ảnh, tư liệu, hiện vật theo các nội dung: Câu chuyện về chiếc máy ảnh; Câu chuyện Việt Nam thời chiến qua lăng kính của ông Ignacio Ezcurra và Câu chuyện Việt Nam thời bình qua lăng kính của cô Luisa Duggan.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ di vật chiếc máy ảnh của cố nhà báo Ignacio Ezcurra – một phóng viên người Argentina , và những bức ảnh do hai ông cháu chụp ở Việt Nam cách nhau 50 năm, triển lãm kể câu chuyện Việt Nam trong thời chiến qua lăng kính của ông Ignacio và trong thời bình qua lăng kính của cô cháu ngoại của ông là Luisa Duggan.
Triển lãm góp phần thể hiện, vun đắp hòa bình, tình hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Argentina.
Ông Juan Carlos Valle Raleigh, Đại sứ Argentina tại Việt Nam, đánh giá triển lãm này không chỉ phản ánh giá trị lịch sử, báo chí, thẩm mỹ mà còn mang giá trị cảm xúc quan trọng kết nối hai cách nhìn thông qua một lăng kính cách nhau 50 năm.
Du khách tham quan cũng có cơ hội xem các tài liệu, hình ảnh của ông Ignacio Ezcurra cùng với những bức ảnh mà Lusia chụp năm 2018 cũng bằng chính máy ảnh mà người ông của cô đã sử dụng.
Ở Việt Nam trong thời gian ngắn nhưng ông Ignacio Ezcurra (lúc bấy giờ làm việc cho tờ báo La Nación) đã có mặt ở Việt Nam và in dấu chân lên những mặt trận nóng bỏng nhất ở Huế và Sài Gòn năm 1968.
Các đại biểu tham quan triển lãm chuyên đề “ Câu chuyện từ chiếc máy ảnh .”
Nhà báo Ignacio được nhiều người biết đến qua các tác phẩm báo chí khi còn là phóng viên chiến trường tại Việt Nam. Ngoài những tác phẩm về căn cứ quân sự, lính Mỹ hành quân, càn quét… ông Ignacio còn ghi lại cảnh nhà cửa, sinh hoạt, cuộc sống của người dân Việt Nam thời chiến tranh. Ngày 8/5/1968 ông mất tích ở Sài Gòn .
50 năm sau ngày mất tích của Ignacio, gia đình ông đến Việt Nam. Họ đã đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh và trao tặng những kỷ vật của nhà báo Ignacio cho bảo tàng. Những hình ảnh của chuyến đi này đã được cô cháu ngoại Luisa Duggan ghi lại bằng cảm xúc về một cuộc tìm lại và tưởng nhớ sau 50 năm, cũng từ chiếc máy ảnh do ông Ignacio đã để lại.
“Đến Việt Nam không phải là sự bộc phát mà là một quyết định kéo dài đến 50 năm. Chúng tôi đến một đất nước có những con người thân thiện, vui vẻ và tình cảm… Ống kính của máy ảnh đã cho tôi thấy một cách rõ nét nhất những gì tôi còn chưa rõ về nơi đây. Tôi tin rằng những bức ảnh này sẽ thể hiện rõ nét cảm xúc của tôi. Một phần trong chúng tôi thuộc về Việt Nam, như ông tôi vậy. Chúng tôi sẽ còn trở lại Việt Nam và lăng kính của chiếc máy ảnh sẽ tiếp tục kể câu chuyện về nơi này,” cô Luisa Duggan chia sẻ
Triển lãm diễn ra đến ngày 30/8./.
Ý kiến ()