Việt Nam - Pháp trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý báo chí
Từ ngày 26/6-1/7, đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Pháp nhằm nghiên cứu, trao đổi công tác quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và bảo tồn di sản văn hóa tại quốc gia này.
Đoàn đã có các buổi làm việc với báo Le Monde Diplomatique (Thế giới Ngoại giao), L'Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp. Cũng trong chương trình công tác, đoàn đã làm việc với Nghiệp đoàn báo chí quốc gia Pháp.
Trong không khí thân tình và cởi mở, lãnh đạo cơ quan báo chí và nghiệp đoàn báo chí đã cung cấp thông tin khá đầy đủ về bức tranh phát triển của hệ thống báo chí điện tử Pháp. Báo chí điện tử Pháp phát triển mạnh, song đều là phiên bản nối dài từ báo in, chỉ có một số rất ít báo điện tử hoạt động độc lập. Đa số các tòa soạn báo điện tử Pháp sử dụng mạng xã hội để giới thiệu, tạo sự lan tỏa các bài viết của mình với cư dân mạng.
Báo chí nói chung và báo chí điện tử nói riêng trong hệ thống báo chí của Pháp cũng gặp nhiều khó khăn tài chính do sự sụt giảm ngày càng nghiêm trọng của báo giấy. Đây cũng là xu hướng chung của báo chí thế giới. Phần lớn các tòa soạn báo gặp khó khăn phải lấy nguồn kinh phí từ các tập đoàn kinh tế để bù lỗ.
Ông Sébastien Crepel (Xê-bát-xtiêng Crê-pen), phụ trách tòa soạn báo L'Humanité cho biết do báo không thuộc quyền sở hữu của tập đoàn kinh tế nào, nên để bù lỗ trong in ấn, phát hành báo, tòa soạn phải dựa vào nguồn kinh phí huy động từ việc quyên góp của bạn đọc và các đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp.
Ông Patrick Kamenka (Pa-trích Ca-men-ca), phụ trách quan hệ quốc tế Nghiệp đoàn báo chí quốc gia Pháp cho biết, tại Pháp hiện có gần 40.000 nhà báo hoạt động chuyên nghiệp. Song, số lượng nhà báo tham gia nghiệp đoàn ngày càng giảm. Việc bảo vệ sự phát triển lành mạnh của các cơ quan báo chí cũng đang gặp nhiều thách thức do các tập đoàn kinh tế đang chi phối mạnh mẽ nội dung thông tin của các tờ báo. Hiện nay, Nghiệp đoàn báo chí đang tích cực đấu tranh, đòi Chính phủ Pháp thực hiện công bằng trong việc hỗ trợ kinh phí cho các tờ báo, nhất là các tờ báo nhỏ, đang gặp khó khăn trong in ấn, phát hành.
Về công tác bảo trì di sản văn hóa của Pháp, ông Bruno Favel (Bru-nô Pha-ven) – Cục trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và quốc tế thuộc Bộ Văn hóa Pháp cho biết Pháp là quốc gia đi đầu trong việc bảo tồn các di sản văn hóa, coi đây là giải pháp nhằm thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu để phát triển kinh tế. Ngành du lịch mỗi năm thu hút trên 80 triệu du khách. Đến nay, Pháp có 57 di sản, trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể.
Phía Pháp mong muốn trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có tiếng nói quan trọng tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tiếp tục ủng hộ để giúp Pháp có thêm nhiều di sản văn hóa. Bên cạnh đó, Paris cũng cam kết sẽ tích cực ủng hộ, có tiếng nói quan trọng để Việt Nam có thêm nhiều di sản văn hóa.
Trong buổi làm với Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan báo chí Việt Nam tại Pháp gồm Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân và Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng chí Lâm Phương Thanh đề nghị Đại sứ quán và các cơ quan báo chí Việt Nam tại Pháp tăng cường nắm tình hình thực tế về văn hóa, kinh tế, đời sống của bà con Việt kiều để có nhiều thông tin phản ánh trên báo chí trong nước, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế, văn hóa, tạo cầu nối để kêu gọi các nhà đầu tư và công dân Pháp vào kinh doanh, du lịch tại Việt Nam.
Nhân chuyến công tác tại Pháp, đồng chí Lâm Phương Thanh và đoàn công tác đã tới đặt vòng hoa và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Không gian Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử sống tại thành phố Montreuil (Mông-tơ-rơi), ngoại ô Paris./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()