Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc và nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai nước
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 15-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, cập nhật một số thông tin liên quan việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam và trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và nước ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:
“Từ ngày 1-5, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 cùng nhiều tàu vũ trang, tàu và máy bay quân sự hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan này tại vị trí nằm hoàn toàn bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác định theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Ðáp lại giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động sai trái, điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực nói trên. Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, cho đến ngày hôm nay, Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của các tàu quân sự, hải cảnh, hải giám, hải tuần, ngư chính, tàu cá vỏ sắt, các tàu dịch vụ cùng sự hỗ trợ của nhiều máy bay tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương-981.
Trong khi các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam hết sức kiềm chế thì ngược lại, phía Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăng, đưa tàu, máy bay đến uy hiếp, dùng vòi rồng có công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao kiên quyết, ngày 11-5, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng trong đó nhấn mạnh, vụ việc này là mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông. Các văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEAN đã nêu vấn đề Biển Ðông. Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM), lần đầu từ năm 1995, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Ðông, qua đó thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động, trách nhiệm cao cũng như sự quan ngại sâu sắc của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Việt Nam cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại khu vực nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Ðây là hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cũng như tinh thần và lời văn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC). Trong bối cảnh các nước trong và ngoài khu vực đang quyết tâm tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và nỗ lực trong việc thúc đẩy tham vấn tích cực và thực chất nhằm sớm tiến tới đạt COC, hành động của Trung Quốc đã làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng toàn bộ tàu và máy bay hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn những hành vi tương tự.
Nhân đây, Việt Nam xin gửi lời cám ơn trân trọng tới các quốc gia, các cá nhân, tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng này của phía Trung Quốc và ủng hộ yêu cầu hợp pháp và chính đáng của Việt Nam. Xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đã đưa tin trung thực, khách quan, làm rõ các hành vi sai trái của phía Trung Quốc”.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về các biện pháp đấu tranh của Việt Nam đối với hành vi sai trái của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc và nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai nước.
Việt Nam kiên trì, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan, các tàu và máy bay ra khỏi khu vực. Ðồng thời, Việt Nam thể hiện hết sức kiềm chế với phương châm phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:
“Chúng tôi khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc nhưng cũng cho rằng quan hệ hai bên chỉ có thể phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau cũng như thực sự thiện chí trong việc cùng nhau xử lý các bất đồng. Rõ ràng các hành động của phía Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự tin cậy chính trị, các mặt hợp tác giữa hai nước và làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì các hoạt động hợp tác bình thường vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết liệu Việt Nam đã thông báo vụ việc cho Tổng Thư ký LHQ và đưa vấn đề ra các thiết chế của LHQ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
“Việc xử lý và giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông vì hòa bình, ổn định ở khu vực là lợi ích của mọi quốc gia trong và ngoài khu vực. Trong bối cảnh các nước đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, trong đó có việc thúc đẩy tham vấn tích cực và thực chất để tiến tới đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC), vụ việc đã làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Trước tình hình đó, với chủ trương sử dụng mọi biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, ngày 7-5-2014, Việt Nam đã cho lưu hành tại LHQ Công hàm phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:
“Người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều có lòng nồng nàn yêu nước và sự trăn trở đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong những ngày qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước. Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong nước rất trân trọng và xúc động đối với tinh thần yêu nước và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước hành vi phá hoại của một số đối tượng tại Bình Dương và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:
“Xin khẳng định, một số đối tượng đã lợi dụng việc tuần hành ôn hòa để kích động, gây mất trật tự an ninh, ổn định. Ngay khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng xử lý nghiêm khắc những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết, làm hết sức mình để bảo đảm an toàn về người và tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng như trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc ở Hà Tĩnh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
“Theo các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, đây là vụ ẩu đả do mâu thuẫn giữa hai nhóm công nhân, có một người bị chết và một số người bị thương. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương xác minh vụ việc, bắt giữ các đối tượng gây rối và đưa những người bị thương vào bệnh viện”.
Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng đã thông tin về kết quả vòng 18 Ðối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ:
“Ðối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 18 đã diễn ra trong hai ngày 11 và 12-5 tại thủ đô Oa-sinh-tơn, Hoa Kỳ. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, quyền của người lao động, người khuyết tật, nhà nước pháp quyền cũng như tăng cường hợp tác đa phương về nhân quyền. Phía Việt Nam đã thông tin đầy đủ, cởi mở về các nỗ lực, chính sách và thành tựu trong việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam; trao đổi thẳng thắn, thực chất về một số quan tâm mà phía Hoa Kỳ nêu; đồng thời nêu rõ sẵn sàng trao đổi, hợp tác tại các cơ chế đa phương về nhân quyền, trong đó có Hội đồng Nhân quyền mà Việt Nam và Hoa Kỳ cùng là thành viên.
Ðối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ là cơ chế có tính chất xây dựng, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau, nhằm giúp hai nước tăng cường hiểu biết, thu hẹp khác biệt về lĩnh vực nhân quyền, góp phần thúc đẩy quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ”.
* Ngày 15-5, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – ASEAN ra Tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ, hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được quy định tại Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên; đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), làm phức tạp tình hình và gây mất ổn định, đe dọa hòa bình, tự do hàng hải ở khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông, mối quan tâm chung của ASEAN, khu vực và thế giới, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – ASEAN kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các phương tiện hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không tái diễn những hành động tương tự trong tương lai. Hội ủng hộ việc tiến hành đàm phán để giải quyết những bất đồng một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, phù hợp nguyện vọng và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
* Thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và nhân danh cá nhân, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vừa có thư ngỏ gửi đến nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc và các đồng nghiệp Trung Quốc về vụ việc Trung Quốc cho hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bức thư ngỏ đã thể hiện lập trường của các nhà văn Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan Hải Dương- 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 UNCLOS, Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Ðông (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, vì lợi ích cơ bản và lâu dài cũng như tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.
Hội Nhà văn Việt Nam hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực với những giải pháp tích cực của Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi các nhà văn Việt Nam, Trung Quốc và các nhà văn trên thế giới nhận thức đầy đủ về tính chất nghiêm trọng của sự việc, có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, bảo vệ tình hữu nghị giữa các dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
* Ngày 14-5, Hội Cựu TNXP Việt Nam đã ra tuyên bố cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: 50 vạn cán bộ, hội viên, cựu TNXP Việt Nam quyết đồng tâm hiệp lực với toàn quân, toàn dân, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Ðể góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Hội Cựu TNXP Việt Nam kiến nghị Chính phủ khẩn trương thành lập các Ðội TNXP bám biển, vừa khai thác hải sản vừa kiên cường bảo vệ biển đảo và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân.
* Sáng 15-5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Vũ Thị Hải cho biết, trước hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây căng thẳng trên Biển Ðông, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội và Ủy ban Hòa bình TP Hà Nội đã phối hợp thực hiện chương trình “Hòa bình cho Biển Ðông” tại trang điện tử HAUFO (mục Biển Ðông) với mục tiêu thu thập 100 nghìn chữ ký và lấy ý kiến của cộng đồng về việc gìn giữ hòa bình cho Biển Ðông. Với bốn thứ tiếng Anh, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, tất cả các chữ ký và thư thu thập được sẽ gửi tới các đại sứ quán, tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước. Chương trình “Hòa bình cho Biển Ðông” mong muốn gửi tới toàn thế giới thông điệp của người dân Việt Nam: Ðoàn kết, yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ hòa bình trên Biển Ðông và khu vực ASEAN; yêu cầu Trung Quốc dừng ngay việc bành trướng trên Biển Ðông, đưa giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sau bốn ngày phát động, chương trình đã thu thập được 10.798 chữ ký.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()