Việt Nam ở vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của APEC
Sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, sự ổn định chính trị, sức mạnh quân sự, các hoạt động ngoại giao và uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế đã đưa Việt Nam vào vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Đây là nhận định của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, giáo sư, tiến sỹ Vladimir Mazyrin.
Theo hãng tin Nga Sputnik ngày 8/11, phát biểu tại hội thảo bàn tròn với chủ đề: “Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam: Những cơ hội phát triển khu vực” tại Moskva, giáo sư Mazyrin nhận định Việt Nam đã cho thấy hiệu quả kinh tế tốt hơn so với kết quả của các nước công nghiệp thành công nhất trước đây.
Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng gấp 20 lần từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đặc biệt đã tăng gấp 2 lần chỉ riêng trong 6 năm qua.
Chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thấp hơn 5-6% mỗi năm.
Theo Giáo sư Mazyrin, việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC sẽ củng cố thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và vị trí của nước này ở Đông Nam Á và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị cấp cao này cũng là một cơ hội để Việt Nam tiếp tục hợp tác với hai đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, cũng như với Nhật Bản nếu Việt Nam tham gia vào thỏa thuận phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
APEC được thành lập năm 1989 nhằm tạo ra sự phát triển và thịnh vượng của 21 nền kinh tế thành viên.
Từ khi ra đời, APEC đã trở thành một không gian thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việc tăng cường tự do thương mại và đầu tư – những trụ cột của APEC – đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện các chỉ số kinh tế, xã hội của các nền kinh tế.
Các cơ chế mở cửa tự nguyện, đặc trưng cho APEC, đã có một lộ trình tuyệt vời và đạt được những kết quả to lớn, theo đó trao đổi thương mại nội khối tăng gấp 7 lần. Các nỗ lực liên tục của APEC đã góp phần thúc đẩy một khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển như ngày nay.
Đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi với sự xuất hiện các ngành dịch vụ, thương mại kỹ thuật số và chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, APEC đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư trên thế giới.
Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được kỳ vọng sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực, thực hiện “Mục tiêu Bogor” về thương mại tự do và mở cửa ở châu Á-Thái Bình Dương, được các nhà lãnh đạo APEC thông qua khi Indonesia tổ chức và chủ trì APEC 1994./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()