Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Do dân số tập trung đông tại vùng đồng bằng và vùng ven biển, nên trước tác động của các cơn bão lớn, nước biển dâng, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khi mực nước biển dâng thêm 1m, sẽ có khoảng 5% diện tích đất, 11% dân số bị ảnh hưởng, 7% nông nghiệp bị tác động và làm GDP thâm hụt 10%. Trong năm 2011, Trung tâm Phát triển toàn cầu xếp Việt Nam thứ 5 trong tổng số 233 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của các hình thái khí hậu tiêu cực (tác động vật lý), thứ 8 trong việc chịu ảnh hưởng trực tiếp của mực nước biển dâng cao. Nếu dựa vào chỉ số tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, Việt Nam được coi là 1 trong 30 nước có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Theo một số báo cáo trong nước và quốc tế, như: Báo cáo đánh giá về biến đổi khí hậu (ISPONRE) và Báo cáo đánh giá lần thứ tư về biến đổi khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng, Việt Nam đang ghi nhận sự leo thang nhanh chóng về nhiệt độ, mực nước biển, số lượng các cơn bão lớn, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên.
Thực tế cho thấy, thiệt hại do thiên tai gây ra không ngừng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010, nước ta chịu ảnh hưởng của bão và những trận lũ lớn xảy ra liên tiếp gây thiệt hại nặng nề, với tổng giá trị thiệt hại khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng; năm 2013 lên tới gần 30 nghìn tỷ đồng; và, chỉ tính riêng 11 tháng năm 2015, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 5,3 nghìn tỷ đồng. Rõ ràng, biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng nặng nề đến những tiến bộ kinh tế mà Việt Nam đã đạt được.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2010, tổng thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu ở Việt Nam được ước tính bằng 5% GDP. Những thiệt hại do biến đổi khí hậu này có thể làm kinh tế tổn thất tới 11% GDP vào năm 2030, đe dọa những nỗ lực xoá đói, giảm nghèo của quốc gia.
Biến đổi khí hậu cùng làm suy giảm sức khoẻ và tuổi thọ trên nhiều phương diện. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân gây suy giảm về sức khoẻ, làm ô nhiễm nguồn nước, gia tăng các bệnh. Chẳng hạn, theo PGS.TS Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, những ngày rét này, mỗi ngày, Viện tiếp nhận gần 400 người bệnh, tăng khoảng 20% so với ngày thường, chủ yếu là người cao tuổi, với các bệnh liên quan đến huyết áp, suy tim, mạch vành, đau ngực… và đều ở mức độ nặng do thời tiết quá lạnh. Nhiệt độ tăng cao, thay đổi về hình thái mưa và chất lượng không khí giảm sút cũng làm gia tăng các tình trạng bệnh tật như: Cảm nắng, sốt rét, sốt xuất huyết, hen suyễn,… Biến đổi khí hậu cũng làm giảm năng suất và sản lượng lương thực, gây khan hiếm thực phẩm, đe doạ an ninh lương thực và có thể dẫn đến các vấn đề về suy dinh dưỡng.
Biến đổi khí hậu cũng tác động đến các lĩnh vực khác của quá trình phát triển. Tài nguyên rừng và các tiến bộ trong bảo vệ đa dạng sinh học có thể bị phá huỷ bởi những tác nhân như: Nguy cơ cháy rừng tăng cao trong mùa khô, suy giảm độ ẩm của đất và sự lan rộng của côn trùng gây hại. Các cơ sở công nghiệp, trang thiết bị, nhà máy điện và đường dây điện ở vùng ven biển có thể bị nhấn chìm hoặc bị ảnh hưởng do nguy cơ ngập lụt. Cũng theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, nếu nước biển dâng cao thêm 1m, có thể nhấn chìm 11.000 km đường bộ. Ngập úng cũng đe doạ 695km đường quốc lộ, trong đó có 495km nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã nhìn nhận những vấn đề và thử thách phát triển dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chương trình mục tiêu quốc gia đã được hình thành để ứng phó với những thay đổi do biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng đã được thông qua năm 2011, nêu cao tầm quan trọng của các vấn đề như: Chuẩn bị tích cực phòng ngừa thiên tai, theo dõi thời tiết, ứng phó với mực nước biển dâng tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng, phát triển khoa học – công nghệ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, các chương trình hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực quốc gia trước các vấn đề biến đổi khí hậu,… Theo các chiến lược này, Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020 đã được đề xuất, bao gồm 65 chương trình, dự án và hành động. Việt Nam cũng đã dành một phần đáng kể trong ngân sách nhà nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, chiếm trung bình 18% ngân sách của các bộ, ngành. Nguồn kinh phí này chủ yếu được sử dụng cho các biện pháp tăng cường an toàn hạ tầng quy mô lớn, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng các bon.
Nhằm điều phối các sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam cũng đã thành lập một chương trình hỗ trợ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) để tiến hành đối thoại chính sách giữa Chính phủ và các cơ quan phát triển quốc tế. Thông qua SP-RCC, Việt Nam đã đưa ra các chính sách và các chỉ tiêu giám sát để định hướng phát triển các chính sách bảo đảm thực hiện. Là một thành viên trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động trong khu vực và quốc tế liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, mới đây nhất, trong khuôn khổ Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Pháp, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016- 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, Việt Nam hiện vẫn đối mặt với những hạn chế và vướng mắc trong giải pháp đối với biến đổi khí hậu. Vấn đề nổi cộm là hệ thống dữ liệu chưa phù hợp và chưa hoàn thiện phục vụ kiểm định khí nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu cũng như các biện pháp phòng ngừa; cơ sở vật chất dành cho quan sát, theo dõi và đánh giá khí hậu còn yếu; chuyên gia kỹ thuật về nghiên cứu và phát triển công nghệ còn thiếu…
Do vậy, để ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả hơn, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện những nỗ lực lồng ghép các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động của các ngành, địa phương. Tăng cường sử dụng và hoàn thiện các cơ chế theo dõi cũng như báo cáo về khí hậu nhằm đạt được sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như sự huy động các nguồn lực phục vụ các hoạt động chống lại biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông đại chúng và hệ thống giáo dục về biến đổi khí hậu. Gia tăng đầu tư vào nguồn lực con người và công nghệ thân thiện với môi trường nhằm góp phần nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()