Việt Nam nỗ lực để không còn ảnh hưởng tác động của bom mìn
Với mong muốn thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam đã nỗ lực nâng cao năng lực, huy động nhiều nguồn lực tăng tốc độ rà phá nhằm giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Bằng nguồn lực trong nước cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, mỗi năm Việt Nam rà phá được từ 40.000-50.000ha ở các khu vực ô nhiễm bom, mìn. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)
Bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân tại Việt Nam. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800.000 tấn với gần 6,1 triệu ha bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước.
63/63 tỉnh, thành phố được xác định có ô nhiễm bom mìn, vật nổ với mức độ và tỷ lệ khác nhau, đặc biệt có nhiều xã, phường diện tích bị ô nhiễm chiếm hơn 80%.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40.000 người tử vong, trên 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Từ sau khi chiến tranh kết thúc đến nay, hơn 2.000 cán bộ, chiến sỹ công binh hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn để mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân…
Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc coi khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện nay, Việt Nam cần hàng trăm năm để làm sạch hoàn toàn bom mìn.
Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam đã nỗ lực nâng cao năng lực, huy động nhiều nguồn lực tăng tốc độ rà phá nhằm giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Đây là nhiệm vụ của Chính phủ cũng như trăn trở của hàng triệu người dân Việt Nam.
Đến năm 2010, các quốc gia đã từng trải qua chiến tranh, xung đột, bị ảnh hưởng bởi hậu quả bom mìn vật nổ nghiêm trọng trên thế giới đã cơ bản hình thành, xây dựng pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động, nhiều nước đã tham gia các công ước liên quan của Liên hợp quốc và đã nhận được nhiều khoản hỗ trợ từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, Việt Nam chưa hình thành được kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh mang tính tổng thể, toàn diện cũng như định hình nhu cầu thực tế để huy động, sử dụng các nguồn lực trong nước, quốc tế có hiệu quả.
Trước thực tế này, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504).
Việc ban hành Chương trình 504 có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước; kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giúp đỡ Việt Nam sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao kiến thức về phòng tránh tai nạn bom mìn, chủ động trước những nguy cơ còn tiềm ẩn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Chương trình 504 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Cùng với hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ được Việt Nam tích cực, chủ động đa dạng hóa việc thực hiện.
Đội nữ rà phá bom mìn do tổ chức phi chính phủ Nhóm Cố vấn bom mìn triển khai hoạt động tại tỉnh Quảng Trị đã rà tìm, phát hiện và hủy nổ hàng trăm vật liệu nổ các loại, trả lại hàng trăm ngàn mét vuông đất an toàn cho người dân canh tác. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Các nội dung về vận động tài trợ, hỗ trợ được đưa vào chương trình làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến thăm, làm việc chính thức cấp Nhà nước với các quốc gia.
Các cơ quan Trung ương tổ chức các đoàn làm việc, đàm phán với Chính phủ các nước như Anh, Na Uy, Thụy Sỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, New Zealand; xúc tiến trao đổi hợp tác với Chính phủ các nước Ấn Độ, Hungary, Pháp, Ba Lan, Italy; tổ chức ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Chính phủ các nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia và các tổ chức quốc tế…
Các hội nghị, hội thảo, triển lãm quốc tế nhằm vận động tài trợ của quốc tế đối với công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam được tổ chức thường xuyên.
Việc thành lập Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn (MAPG), Hội và Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn có ý nghĩa thiết thực đối với các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân nhằm kêu gọi sự tài trợ của quốc tế và các nhà hảo tâm trong nước cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.
Nhiều cơ quan liên quan, các địa phương đã chủ động vận động, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và quốc tế để nâng cao năng lực, triển khai nhiều dự án về điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn, quản lý thông tin, quản lý chất lượng rà phá bom mìn, chế tạo các thiết bị phục vụ dò tìm, xử lý bom đạn thu hồi sau chiến tranh.
Cùng với đó, Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn do các tổ chức quốc tế tổ chức, tham gia các cuộc họp, trao đổi về nhu cầu của Việt Nam, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, thực hiện đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nguy cơ phòng tránh tai nạn bom mìn được các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành trong cả nước, đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và nhân dân cả nước quan tâm.
Nhiều hoạt động thiết thực được triển khai, trong đó có việc chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tổ chức giao ban báo chí, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn hằng năm, giáo dục nguy cơ tai nạn bom mìn trực tiếp tại các trường học, khu dân cư…
Các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn đã được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố ô nhiễm nặng trên cả nước như Hà Giang, Hà Nội, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cà Mau, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Bình Định…, thu hút hàng triệu lượt người tham gia.
Cùng với đó, nhiều chính sách, chế độ, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai như chế độ trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom mìn nặng; tiếp nhận nạn nhân vào các cơ sở bảo trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ mai táng cho các gia đình nạn nhân bom mìn; miễn giảm học phí, cấp đồ dùng học tập cho các nạn nhân là học sinh đang học tập tại các trường phổ thông và các cơ sở đào tạo nghề…
Gần nửa triệu hécta diện tích ô nhiễm bom mìn được rà phá
Đặc biệt, trong hoạt động điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã thực hiện thành công dự án “Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự án được hoàn thiện và công bố vào tháng 3/2018, cung cấp thông tin về những khu vực hiện còn nghi ngờ bị ô nhiễm bom mìn và các tác động đối với kinh tế-xã hội của đất nước, từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở hoạch định chiến lược, định hướng ưu tiên sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội đạt hiệu quả cao nhất.
Trong 10 năm (2010-2020), toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ trên 485.000ha, trong đó có 74.000 ha được thực hiện bởi các dự án thuộc Chương trình 504, các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (300.000ha) và các dự án rà phá bom mìn nhân đạo (111.240ha).
Lực lượng khảo sát, rà phá bom mìn chủ yếu là các đơn vị công binh toàn quân và các đội rà phá bom mìn của các tổ chức quốc tế. Tổng giá trị khảo sát, rà phá ước tính khoảng 12.614 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài 2.197 tỷ đồng (tương đương khoảng 95,5 triệu USD).
Giai đoạn 2010-2020, riêng đối với các dự án thuộc Chương trình 504, ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp khoảng 1.417 tỷ đồng. Con số này từ ngân sách của các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội là hơn 9.000 tỷ đồng. Ngân sách nước ngoài viện trợ không hoàn lại trực tiếp cho Việt Nam được huy động tập trung vào giai đoạn 2015-2020.
Đối với các dự án ODA không hoàn lại của chính phủ các nước, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ hai dự án rà phá bom mìn tại Quảng Trị và Hà Tĩnh với kinh phí trên 5,5 triệu USD, qua đó khảo sát, rà phá được 3.240ha đất ô nhiễm bom mìn. Chính phủ Hàn Quốc tài trợ dự án “Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, trong đó đã tổ chức khảo sát kỹ thuật khoảng 20.000 ha và triển khai rà phá bom mìn hơn 8.000ha.
Các dự án khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn do các tổ chức quốc tế như MAG, NPA, Golden West, SODI, Peace Tree… thực hiện tại các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, với tổng ngân sách hơn 1.610 tỷ (tương đương 70 triệu USD) đã thực hiện rà phá được hơn 80.000ha.
Với những nguồn lực này, các dự án rà phá bom mìn, giải phóng đất đai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã được triển khai hợp lý, đúng tiến độ; góp phần mang lại lợi ích kinh tế-xã hội to lớn cho các địa phương.
Đồng thời, việc triển khai các dự án này thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự tri ân đối với các Anh hùng Liệt sỹ, người có công với đất nước; giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, đem về màu xanh bình yên trên những vùng đất từng trải qua khói lửa chiến tranh.
Hiệu quả từ các dự án rà phá bom mìn tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh khác do Chính phủ kêu gọi tài trợ.
Để chủ động nâng cao năng lực quản lý điều hành và năng lực rà phá bom mìn, các cơ quan, tổ chức, các đơn vị Công binh trong toàn quân, các đơn vị có chứng chỉ năng lực rà phá bom mìn được bảo đảm trang bị, mô hình học cụ, ngân sách, tài liệu, thuê chuyên gia, hợp tác quốc tế…
Các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn Việt Nam về khắc phục hậu quả bom mìn và được tổ chức, trong đó có nội dung giới thiệu tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế. Nhiều đơn vị chú trọng tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tham gia các hội thảo, hội nghị, các diễn đàn trong nước và quốc tế về bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, trực tiếp tham gia xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, nghị định và thông tư về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. Các đơn vị phối hợp thực hiện tốt việc triển khai các dự án điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn tại các địa phương, đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động xử lý bom đạn khẩn cấp do người dân phát hiện.
Phấn đấu khắc phục cơ bản tác động, hậu quả của bom mìn
Thế giới và khu vực bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình, chính sách và chiến lược, bao gồm cả chính sách và chiến lược khắc phục hậu quả chiến tranh có nhiều thay đổi.
Trong điều kiện đó, dự kiến, việc tài trợ quốc tế cho khắc phục hậu quả bom mìn toàn cầu có xu hướng giảm. Các quốc gia sẽ hướng đến việc thực hiện công tác quản lý bom mìn một cách chủ động hơn. Đồng thời, các dự án tài trợ sẽ được thực hiện lồng ghép giữa các quốc gia trong khu vực hoặc nhiều hợp phần trong một quốc gia để đáp ứng tính bền vững của khoản viện trợ.
Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam phấn đấu huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước, quốc tế nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục cơ bản tác động, hậu quả của bom mìn sau chiến tranh.
Các hoạt động này phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bảo đảm an toàn cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập tốt nhất vào cộng đồng; bảo đảm nguyên tắc thực hiện đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu của công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, trên cơ sở kết quả và những hạn chế của giai đoạn trước đây, việc điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống cơ cấu tổ chức thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn từ Trung ương đến địa phương một cách phù hợp sẽ góp phần phát huy tốt khả năng, huy động và sử dụng tối đa các nguồn lực trong nước, quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch, trong đó có việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho quản lý, vận động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng và khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung.
Các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về quản lý vận động tài trợ không hoàn lại để hỗ trợ triển khai Chương trình 504 hoàn thành theo kế hoạch và tiến độ đề ra. Phương thức quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh được nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện theo nguyên tắc chủ động.
Đặc biệt, công tác triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, xúc tiến quan hệ, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế mới vào Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế có vai trò rất quan trọng nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện Chương trình lâu dài, bền vững, đạt hiệu quả cao hơn.
Song song với đó, Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp tăng cường tiềm lực cho các cơ sở nghiên cứu và các đơn vị huấn luyện; nghiên cứu, chế tạo các thiết bị nâng cao hiệu suất, bảo đảm an toàn cho nhiệm vụ rà phá bom mìn đạt tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên phạm vi toàn quốc; triển khai các kế hoạch, chương trình, đẩy nhanh tốc độ rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đến năm 2025 rà phá được khoảng 800.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng; xây dựng, triển khai dự án “Khảo sát kỹ thuật khoanh vùng các khu vực khẳng định ô nhiễm bom mìn” làm cơ sở cho hoạch định chiến lược.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng cần được đẩy mạnh, trong đó có nhiệm vụ hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu nạn nhân toàn quốc, trước hết giải quyết tại các khu vực bị ô nhiễm nặng và có nhiều tai nạn bom mìn.
Chiến lược quốc gia về giáo dục nguy cơ bom mìn cần được xây dựng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng thông qua việc thực hiện các dự án tuyên truyền về thực trạng hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam./.
Ý kiến ()