Việt Năm nhảy vọt về chỉ số sẵn sàng kết nối
Tăng vọt 16 bậc so với năm 2009, chỉ số sẵn sàng kết nối (Networked Readiness Index – NRI) của Việt Nam trong năm 2010 được đánh giá là ấn tượng nhất trong số các quốc gia đang phát triển. Để đạt được thành quả này, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá rằng chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy và phát triển các chính sách về CNTT-TT.
Việt Nam vươn lên top đầu khu vực ĐNÁ
Theo thông lệ, hàng năm WEF đều đưa ra bảng đánh giá NRI cho các quốc gia có tiềm lực phát triển nhanh và mạnh về CNTT-TT trên thế giới. Chỉ số NRI năm 2010 của WEF đánh giá trên 133 quốc gia, phân bổ đồng đều cho các châu lục. Trong đánh giá năm nay, chỉ số NIR của Việt Nam được xếp hạng 54, tăng 16 bậc so với năm 2009 (70), và tăng 19 bậc so với năm 2008 (73).
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau 3 quốc gia là Singapore (2), Malaysia (27) và Thái Lan (47); còn xếp trên khá xa so với Indonesia (67), Philippines (85) và Campuchia (117). WEF – tổ chức đưa ra NRI – đánh giá cao những nỗ lực mà chính phủ Việt Nam đạt được trong lĩnh vực phần mềm, xây dựng hạ tầng Internet, viễn thông, đào tạo và phát triển nhân lực CNTT.
NRI 2010 của WEP được xây dựng trên 68 tiêu chí, trong đó có 9 tiêu chí trụ cột, được chia thành 3 nhóm khác nhau. Cụ thể, ở nhóm đầu tiên – Chỉ số môi trường gồm 3 tiêu chí: thị trường (1), luật pháp & chính trị (2), và hạ tầng cơ sở (3). Nhóm thứ 2 là Chỉ số sẵn sàng , bao gồm: khả năng sẵn sàng của cá nhân (4), doanh nghiệp (5), và chính phủ (6). Nhóm cuối cùng là Chỉ số sử dụng , bao gồm mức độ sử dụng của cá nhân (7), mức độ sử dụng của doanh nghiệp (8), và mức độ sử dụng của chính phủ (9).
Cũng trong bảng xếp hạng NRI 2010, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 1 trong số các quốc gia có thu nhập thấp. Tuy vậy, xếp hạng chung của Việt Nam (54) thậm chí còn cao hơn cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển cao hơn. Tuy xếp sau Malaysia và Thái Lan nhưng Việt Nam lại tăng tới 16 bậc so với năm 2009, trong khi hai nước này lại không tăng bậc nào. Trong bảng xếp hạng NRI 2010, Thụy Điển đứng ở vị trí cao nhất (1), còn nước cộng hòa Chad xếp ở vị trí thấp nhất (133).
Vẫn còn nhiều yếu điểm
Theo báo cáo của WEP, tuy mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT của khối chính phủ khá cao nhưng hiệu quả sử dụng CNTT-TT trong các cơ quan nhà nước của Việt Nam lại khá hạn chế. Về mặt này, WEP chỉ xếp Việt Nam ở mức 68 trong tổng số 133 quốc gia, thấp hơn nhiều so với mức đánh giá chung là 54 ở trên.
Trong khi đó, WEP lại đánh giá cao sự sẵn sàng của người dân và khối doanh nghiệp (xếp 37/133); đồng thời mức độ sẵn sàng của chính phủ đối với CNTT-TT cũng được đánh giá khá cao (xếp 24/133). Tất cả những chỉ số này đều cải thiện đáng kể so với các năm trước đây, cho thấy người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều tới CNTT-TT.
Trên thực tế, ngay cả trong bản đánh giá Năng lực kết nối 2010 (Connectivity Scorecard 2010) do Hãng tư vấn kinh tế quốc tế LECG công bố hồi đầu tháng 3 vừa qua, Việt Nam cũng được đánh giá khá cao, đặc biệt là đối với khu vực người dùng. LEGG đánh giá người dùng Việt Nam có kỹ năng sử dụng CNTT khá cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công nghệ 3G và số người sử dụng Internet tăng lên không ngừng.
Khác với WEF, LEGG không đánh giá cao hạng mục doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng kinh doanh, cũng như mức độ sử dụng và kỹ năng CNTT của doanh nghiệpViệt Nam còn thấp. LEGG khuyến cáo rằng Việt Nam cần phải thúc đẩy đầu tư kinh doanh nhiều hơn vào lĩnh vực phần cứng, phần mềm và các dịch vụ CNTT nhằm nâng cao năng lực kết nối. Song song với đó, Việt Nam cũng cần xây dựng một hạ tầng ICT mạnh mẽ, bao gồm cả việc tăng cường độ phủ của kết nối băng rộng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Trong báo cáo Năng lực kết nối 2010 của LEGG, Việt Nam xếp thứ 15 trong số các nền kinh tế hiệu quả và có nguồn lực dồi dào. Cùng nhóm các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam (15) đứng sau Malaysia (1), Thái Lan (12), nhưng lại xếp khá xa so với Philippines (19) và Indonesia (20).
Đây là năm thứ 3 liên tiếp LEGG đưa ra bảng đánh giá Năng lực kết nối. Còn chỉ số NRI đã được WEF công bố liên tiếp trong 9 năm qua. Độc giả có thể tham khảo toàn văn Chỉ số sẵn sàng kết nối toàn cầu bằng tiếng Anh trên trang web của WEF (weforum.org).
Ý kiến ()