Việt Nam nhấn mạnh việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Ðông và sông Mê Công chính là lợi ích của tất cả các nước trong khu vực
Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ tám đã diễn ra ngày 8-6 tại In-đô-nê-xi-a, với sự tham dự của nhiều quan chức quốc phòng cấp cao từ 23 quốc gia thành viên ARF (vắng CHDCND Triều Tiên và Pa-ki-xtan). Đoàn Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng dẫn đầu.Hội nghị đã tập trung trao đổi quan điểm về tình hình quốc tế và khu vực, thảo luận vấn đề điều phối giữa ARF và ADMM (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối thoại), nhằm tránh trùng lặp những nỗ lực hợp tác khu vực, hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng giữa các nước thành viên ARF.Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu bật tính đa dạng, phức tạp và tính xuyên quốc gia của các thách thức khu vực; vai trò ngày càng quan trọng của ARF trong việc tăng cường hợp tác đối phó các thách thức mới, trong đó các thách thức do con người gây ra kết hợp với sự biến đổi của thiên nhiên sẽ đem lại...
Hội nghị Chính sách an ninh Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ tám đã diễn ra ngày 8-6 tại In-đô-nê-xi-a, với sự tham dự của nhiều quan chức quốc phòng cấp cao từ 23 quốc gia thành viên ARF (vắng CHDCND Triều Tiên và Pa-ki-xtan). Đoàn Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng dẫn đầu.
Hội nghị đã tập trung trao đổi quan điểm về tình hình quốc tế và khu vực, thảo luận vấn đề điều phối giữa ARF và ADMM (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối thoại), nhằm tránh trùng lặp những nỗ lực hợp tác khu vực, hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng giữa các nước thành viên ARF.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã nêu bật tính đa dạng, phức tạp và tính xuyên quốc gia của các thách thức khu vực; vai trò ngày càng quan trọng của ARF trong việc tăng cường hợp tác đối phó các thách thức mới, trong đó các thách thức do con người gây ra kết hợp với sự biến đổi của thiên nhiên sẽ đem lại những hệ lụy nguy hiểm và rất lâu dài cho khu vực. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh cấu trúc ADMM tuy mới được hình thành nhưng rất quan trọng, nhằm hiện thực hóa, cụ thể hóa những vấn đề ARF đưa ra, và hy vọng rằng cấu trúc này sẽ sớm đưa đến những kết quả thực tiễn.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định lập trường của Việt Nam về Biển Đông và sông Mê Công, coi đây là những vấn đề hết sức hệ trọng, có thể gây hệ lụy lâu dài nếu không được giải quyết và ngày càng chứng tỏ những thách thức này không phải của riêng những nước trực tiếp có biển hay sông Mê Công hoặc những nước có lợi ích trực tiếp gắn liền mà là của tất cả các nước trong khu vực. Vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình đa phương, trên cơ sở tuân thủ Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cố gắng tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các đề xuất thiết thực và mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng In-đô-nê-xi-a Pu-nô-mô Y-u-gian-tô-rô về việc cuối năm nay sẽ có bước tiến mới về COC và của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen mong muốn COC sẽ được ký kết năm 2012 tại Cam-pu-chia, nhân kỷ niệm mười năm DOC. Tuy nhiên, trong khi chưa tiến tới được COC hoặc chưa thực hiện một cách đầy đủ UNCLOS 1982, thì tất cả những tranh chấp, bất đồng trong vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tránh những hành động đơn phương, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng bạo lực, sử dụng các biện pháp mạnh để hành xử với nhau.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ, Việt Nam cho rằng, để giải quyết tốt những thách thức, trước hết tất cả các nước thành viên ARF, những nước có lợi ích ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần có trách nhiệm đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn đối với các thách thức về an ninh, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, thống nhất, đặc biệt là tránh chia rẽ, tránh xung đột, để ASEAN luôn trở thành trung tâm trong các cấu trúc an ninh khu vực.
Hội nghị đánh giá, hợp tác khu vực về cơ bản vẫn trong xu thế phát triển ổn định, tuy nhiên đang xuất hiện một số vấn đề cần tích cực hợp tác giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác đa phương hiện nay. Hội nghị nhất trí cho rằng, ARF vẫn là cơ chế hợp tác hữu hiệu giải quyết các vấn đề của khu vực. Bên cạnh đó, cần phát huy, mở rộng hơn nữa các cơ chế hợp tác mới ra đời, điển hình là cơ chế hợp tác của ADMM ; khẳng định vấn đề an ninh biển và lưu thông hàng hải tại khu vực hiện nay cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu, trong đó nhấn mạnh đến việc cần phải thực thi nghiêm chỉnh UNCLOS 1982, DOC và tiến tới xây dựng COC.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Trưởng đoàn Trung Quốc, Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Ngụy Phụng Hòa khẳng định, Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc hòa bình và phát triển đã cam kết với cộng đồng thế giới, cam kết tiếp tục đóng vai trò duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ UNCLOS 1982, song không nhất trí đưa các vấn đề song phương như tranh chấp lãnh thổ ra các diễn đàn đa phương.
Trong khi đó, Trưởng đoàn Mỹ khẳng định, nước này cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác trên cơ sở luật pháp quốc tế bảo đảm các nước có thể tự do tiếp cận đầy đủ biển, trên không và trên đất liền, nhằm bảo đảm tự do lưu thông thương mại, hàng hóa; phản đối dùng vũ lực trong giải quyết các vấn đề tranh chấp; kêu gọi các nước tuân thủ UNCLOS 1982, tự do hàng hải và các bên tuyên bố chủ quyền thực hiện nghiêm chỉnh DOC và tiến tới COC. Mỹ hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc họp Nhóm kỹ thuật bàn về việc thực hiện DOC và tiến tới xây dựng COC bảo đảm sự ràng buộc trong thực thi các cam kết tại Biển Đông, nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp ở khu vực này thông qua các biện pháp hòa bình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()