Việt Nam nhấn mạnh 3 vấn đề trọng tâm trong ứng phó BĐKH
Tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP25), Trưởng đoàn Cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Trần Hồng Hà đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm về ứng phó với BĐKH.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bài phát biểu quan trọng tại COP25 |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 3 vấn đề trọng tâm là phạm trù đạo đức, sự đoàn kết và hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong đó, các quốc gia cần đoàn kết hơn nữa để tạo nên chuyển đổi về mô hình phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hướng đến nền kinh tế bền vững có khả năng chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phải coi ứng phó BĐKH là vấn đề đạo đức. “Chúng ta có thể làm cho cuộc sống của các thế hệ hôm nay và mai sau thoát khỏi khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu bằng những cam kết cụ thể và các hành động khẩn trương theo Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thoả thuận Paris”, Trưởng đoàn Cấp cao của Việt Nam khẳng định.
Việt Nam kêu gọi các quốc gia chưa hoàn thành trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính trong giai đoạn trước năm 2020 tiếp tục thực hiện trách nhiệm này bên cạnh các nghĩa vụ mới trong giai đoạn kể từ sau năm 2020. Điều này sẽ góp phần củng cố lòng tin giữa các quốc gia và dân tộc về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để các dân tộc một lần nữa thể hiện tình đoàn kết của mình ngay tại Madrid để hiện thực hoá cuộc cách mạng đã tạo nên tại Paris cách đây 4 năm. Đó là cùng chung tay tạo nên chuyển đổi về mô hình phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, hướng đến nền kinh tế bền vững có khả năng chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu. Quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên tinh thần và áp dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính cho chuyển giao và ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao năng lực nhằm hiện thực hoá quá trình chuyển đổi này tại các quốc gia đang phát triển.
Bàn sâu về Thỏa thuận Paris, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quá trình đàm phán về hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận này, đặc biệt là Điều 6 – các cơ chế hợp tác – phải được hoàn thành bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Công ước nhằm cho phép các quốc gia xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia, đồng thời, tăng cường nguồn lực tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong quá trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Quá trình rà soát và cập nhật NDC cần được hoàn thành trước cuối năm 2020 với “nỗ lực cao nhất có thể” trong giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các giải pháp dựa vào thiên nhiên, đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái cần được xem xét một cách đầy đủ.
Vấn đề minh bạch trong thực hiện và hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy học tập, trao đổi kinh nghiệm và củng cố niềm tin giữa các quốc gia.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành việc rà soát, cập nhật NDC. Đồng thời, để thực hiện các đóng góp Việt Nam đã cam kết trong Thoả thuận Paris kể từ năm 2021, chúng tôi cũng đang rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và huy động nguồn lực trong Luật Môi trường sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2020”.
Hội nghị COP25 diễn ra từ 2/12 – 13/12/2019, thảo luận 4 nội dung trọng tâm chưa được thống nhất trong Bộ Quy tắc khí hậu Katowice, gồm: Các cơ chế hợp tác theo Điều 6; Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Thông tin đầu vào để thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu và Khung minh bạch và mức độ linh hoạt áp dụng cho một số quốc gia đang phát triển.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()