Việt Nam-New Zealand hướng tới thương mại song phương 2 tỷ USD
Hợp tác kinh tế-thương mại luôn là một trong những điểm sáng quan trọng và hai bên phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỷ USD, vào năm 2024.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Tredene Dobson mua rau an toàn tại siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn do nông dân Bình Định sản xuất từ dự án Rau an toàn Bình Định. (Ảnh: Kha Phạm/TTXVN) |
Kể từ khi Việt Nam và New Zealand nâng cấp lên Đối tác chiến lược vào tháng 7/2020, quan hệ Việt Nam-New Zealand ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể.
Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với New Zealand, một đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương, đồng thời cũng là Đối tác chiến lược của ASEAN.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế-thương mại luôn là một trong những điểm sáng quan trọng và hai bên phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỷ USD vào năm 2024.
Do đó, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức New Zealand từ 3-7/12 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ thương mại hai nước.
Hai nền kinh tế bổ trợ
Thời gian qua, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song trao đổi thương mại giữa Việt Nam và New Zealand năm 2021 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2020.
Riêng 10 tháng năm 2022, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2021.
Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 602,2 triệu USD, tăng 12,8% và nhập khẩu của Việt Nam đạt 623,2 triệu USD, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam và New Zealand là hai nền kinh tế tương đối có tính bổ trợ lẫn nhau. New Zealand có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm điện tử, sản phẩm may mặc, da giày, sản phẩm gỗ, nông sản nhiệt đới, thủy sản…
Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ New Zealand các mặt hàng như sữa nguyên liệu và sản phẩm sữa, rượu vang, thịt cừu, trái cây, gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Đáng lưu ý, Việt Nam và New Zealand đều là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP). New Zealand hiện là đối tác thương mại lớn thứ 36 của Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương khiến cho rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand.
Hơn nữa, trong bối cảnh xung đột thương mại trên thế giới, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp…, ngày càng có nhiều doanh nghiệp New Zealand quan tâm đến việc tìm kiếm hàng hoá từ Việt Nam thay thế cho hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là hàng hóa liên quan đến lĩnh vực may mặc và vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, thách thức tiếp cận thị trường sẽ rất lớn bởi New Zealand là nước có rào cản kỹ thuật cao với việc nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm. Vì vậy, các mặt hàng này muốn nhập khẩu vào New Zealand phải đảm bảo các tiêu chuẩn về y tế đối với sản phẩm nhập khẩu (IHS).
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An (Tiền Giang). (Ảnh: Minh Trí/TTXVN) |
Đến nay, New Zealand mới cấp phép nhập khẩu cho quả xoài, thanh long, chôm chôm, cá tra, thực phẩm chế biến sẵn của Việt Nam. Mặt khác, do khoảng cách địa lý xa xôi, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này phải chịu chi phí vận chuyển cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến giá thành khó cạnh tranh so với các sản phẩm của một số quốc gia khác.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, thanh long là loại quả xuất khẩu thành công nhất của Việt Nam vào New Zealand với mức tăng trưởng liên tục từ năm 2014 đến nay.
Sau dịch Covid-19 nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thanh long tăng cao, trong khi đó loại trái cây này của Việt Nam có hình thức bắt mắt, hương vị rất ngon và giá cả khá ổn định cũng như được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mặc dù có tính bổ trợ nhưng các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng kim ngạch thương mại song phương vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.
Hiện nay, với dân số chỉ khoảng 5 triệu người, thị trường New Zealand có dung lượng tương đối nhỏ; có nhu cầu xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Ngoài ra, năm đối tác xuất khẩu lớn nhất vào New Zealand là Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức đã chiếm tỷ trọng nhập khẩu khá cao của New Zealand.
Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cũng phải vận chuyển qua bên thứ ba và Australia thường được lựa chọn là đường vận chuyển quá cảnh cho các đơn hàng nhỏ.
Thế nhưng, tiền lương, tiền công cao khiến giá bán hàng hóa tại thị trường cao, sức cạnh tranh của sản phẩm giảm xuống. Đây chính là những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường này.
Tận dụng lợi thế
Với mong muốn mang lại những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) đã bắt tay hợp tác với công ty được sở hữu bởi 10.000 hộ nông dân nuôi bò sữa tại New Zealand-Fonterra, để đưa 100% sữa New Zealand bò ăn cỏ tự nhiên, một trong các nguồn sữa tốt nhất thế giới về Việt Nam.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood cho biết, việc hợp tác này, công ty sẽ tiếp tục sứ mệnh cho ra đời các sản phẩm “quốc dân” chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của mọi người, mọi nhà bên cạnh các sản phẩm đặc trị.
Mới đây, Nutifood đã chính thức ra mắt sản phẩm NutiMilk 100% sữa New Zealand bò ăn cỏ tự nhiên đang được phân phối tại hệ thống các cửa hàng bán lẻ và một số siêu thị trên toàn quốc.
Với những tương đồng trong định vị sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng, WinCommerce đã hợp tác cùng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà cung cấp từ New Zealand trong nhiều năm. Đặc biệt, hai bên phối hợp tổ chức thành công Lễ hội Trái cây New Zealand “Made with care” trong 3 năm liên tiếp.
Vừa qua, sự kiện “Made with care 2022” được tổ chức tại hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart trên toàn quốc, góp phần quảng bá nhiều loại trái cây chất lượng cao được WinCommerce nhập khẩu trực tiếp New Zealand phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị WinMart, nông sản New Zealand luôn nằm trong danh sách những mặt hàng nhập khẩu được yêu thích.
Thống kê cho thấy táo nhập khẩu trực tiếp từ New Zealand chiếm đến 50% thị phần táo đang được bày bán tại hệ thống WinMart/WinMart .
Trong năm 2022, WinCommerce đã thu mua và đưa vào tiêu thụ 240 containers táo New Zealand, ước tính doanh thu từ sản phẩm này trong năm nay đạt 220 tỷ đồng.
Nhằm hướng tới thương mại song phương đạt 2 tỷ USD vào năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand khuyến cáo việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này cần được thực hiện theo một chiến lược bài bản, dài hạn.
Hơn nữa, đây là một thị trường kinh tế tự do, minh bạch và khó tính bậc nhất thế giới với các quy định chặt chẽ về hàng hóa nhập khẩu nên các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và bám sát mục tiêu phát triển dài hạn của tỉnh về phát triển kinh tế xanh.
Cùng đó, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu để đảm bảo hàng hóa phù hợp với các tiêu chuẩn và quy định của thị trường.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) đánh giá cao quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam-New Zealand và dự báo có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
Bởi vậy, quan hệ hợp tác tổng thể giữa Việt Nam và New Zealand không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thương mại song phương.
Ngoài ra, hành lang pháp lý cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với 2 đối tác này không ngừng được hoàn thiện và nâng cấp.
Đến nay, Việt Nam và New Zealand đều đã và đang là thành viên tích cực của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng trong khu vực.
Đáng chú ý, ngày 13/11 vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41, ASEAN-Australia-New Zealand tuyên bố hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định AANZFTA.
Để khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi quan hệ thương mại, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các FTA mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa.
Mặt khác, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm) hoặc các chương trình giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường.
Đặc biệt, tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường này với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Ý kiến ()