Việt Nam nằm trong top 7 nước sử dụng nhiều amiang nhất thế giới
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong nhiều năm, lượng amiang nhập vào Việt Nam khoảng 60 nghìn tấn/năm. Cộng dồn nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với 10 triệu tấn amiang xi măng đã và đang trở thành chất thải nguy hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Ngày 31-8, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn – Vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA) phối hợp tổ chức Union Aid Abroad APHEDA tổ chức hội thảo “Xử lý các chất thải nguy hại trong đó có amiang”.
Nguy cơ ô nhiễm nặng nề từ chất thải nguy hại, trong đó có amiang
Việc chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp cao, không tiết kiệm quỹ đất. Tại nhiều khu vực chất thải chôn lấp ở các bãi chôn lấp tạm, lộ thiên hiện đang là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường.
Tại hội thảo, GS, TS Lê Vân Trình, Chủ tịch VOSHA cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có chế tài phân loại và chưa có sự đồng bộ trong thu gom đối với chất thải nguy hại, trong đó có amiang, gây nhiều rủi ro cho cộng đồng.
Tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.
Theo KS Nguyễn Văn Khuông, Hội VOSHA, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilong của cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt, dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc hiện nay khoảng 800 nghìn tấn/năm. Ước tính trong chất thải rắn công nghiệp, lượng chất thải nguy hại chiếm tỷ lệ khoảng 20-30%.
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tăng trung bình hằng năm khoảng 12%. Đặc biệt, chất thải y tế là một trong những nguồn phát sinh chất thải nguy hại lớn và khó quản lý. Chất thải rắn y tế trong bệnh viện bao gồm hai loại là chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại. Chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 75-80% chất thải rắn trong bệnh viện.
Một vấn đề nóng trong xử lý chất thải nguy hại trong lĩnh vực xây dựng hiện nay là amiang. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay có hơn 100 nghìn người chết do các bệnh liên quan đến amiang.
Việt Nam nằm trong top 7 nước sử dụng nhiều amiang nhất thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong nhiều năm, lượng amiang nhập vào khoảng trên dưới 60 nghìn tấn/năm. Hiện nay, cao điểm là nhập khẩu tới 10 nghìn tấn amiang/năm.
Riêng trong lĩnh vực tấm lợp, sản lượng sản xuất và tiêu thụ trung bình khoảng 75-80 triệu m2/năm, khi những tấm lợp này hư hỏng hay bị thay thế thì việc xử lý để bảo đảm an toàn không hề đơn giản. Theo thống kê của thế giới, có hơn 80% ung thư trung biểu mô là do nhiễm độc amiang.
Cần tăng nặng chế tài xử phạt
Theo KS Khuông, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý. Hiện còn khoảng 132 bãi chôn lấp đã được rà soát, thống kê là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cần phải xử lý ô nhiễm triệt để đế năm 2020.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay các chôn lấp tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hiện nay, một số quy định của pháp luật liên quan đến quản lý chất thải nguy hại còn chung chung, trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với chủ thể vi phạm còn thấp, dẫn đến tình hình vi phạm về quản lý chất thải nguy hại gia tăng. Quy định về chủ xử lý chất thải về vận chuyển chất thải mới chỉ dừng lại ở việc chịu hoàn toàn trách nhiệm nhưng chịu trách nhiệm như thế nào, hình thức ra sao thì hiện nay pháp luật vẫn chưa quy định rõ ràng.
Riêng về chất thải là bột và sợi amiang thải và chất thải có chứa amiang hiện còn bất cập khi Thông tư 36/2015-BTNMT của Bộ Tài nguyên môi trường có xếp “vật liệu xây dựng thải chứa amiang” là chất thải nguy hại, nhưng lại không kể “tấm lợp amiang – xi măng”. Như vậy, hàng nghìn tỷ m2 tấm lợp chứa amiang đã được sản xuất, sử dụng, phá vỡ, phân hủy đã làm phát tán bụi và sợi amiang ra môi trường không là chất thải nguy hại như Tiêu chuẩn Việt Nam 6706:2009.
TS Khuông cảnh báo, chúng ta đang có 10 triệu tấn chất thải amiang xi măng đã và đang trở thành chất thải. Nếu chúng ta không đưa vấn đề này vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi để trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây thì rất nguy hiểm cho tương lai sức khỏe của người dân Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần phải quản lý chất thải nguy hại theo thông lệ quốc tế, theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Ông Khuông nhấn mạnh, để quản lý và xử lý chất thải nguy hại, trong đó có amiang, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý chất thải nguy hại như tăng nặng chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng quản lý chất thải nguy hại thông qua nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật trong xử lý chất thải nguy hại.
PGS, TS Bùi Thị An, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường bày tỏ quan điểm, đây không còn là thời điểm chúng ta phân tích amiang có độc hại hay không. Chúng ta phải có một chiến lược để xử lý chất độc hại này, không thể xử lý như các loại chất độc khác, có như vậy mới giải quyết được vấn đề bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam cho biết, hiện công ty đang đưa công nghệ Intec-ITC của Cộng hòa Liên bang Đức xử lý rác thải về Việt Nam. Tính nổi trội công nghệ, mức độ an toàn, vốn đầu tư hoàn toàn bảo đảm được nhưng vấn đề khó khăn áp dụng tại Việt Nam chủ yếu do cơ chế.
“Việc tuyển chọn nhà đầu tư sẵn sàng đưa công nghệ vào Việt Nam rất khó. Nếu Việt Nam có giám sát chặt trong quá trình lựa chọn nhà thầu thì chúng ta có thể triển khai các dự án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại trong tương lai gần”, ông Huân cho hay.
Ý kiến ()