Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước châu Phi ở cấp độ khu vực
Ngày 28/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao trực tuyến về Hợp tác giữa Liêp hợp quốc và Liên minh châu Phi. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả, ý nghĩa sự kiện và quan hệ Việt Nam với các nước châu Phi .
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả nổi bật của việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại phiên Thảo luận mở Cấp cao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) ngày 28/10/2021?
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu:Có thể nói Liên minh châu Phi (AU) là tổ chức có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, an ninh ở châu Phi bởi đây là khu vực trọng yếu, có nhiều tài nguyên, song hiện còn nhiều xung đột, tranh chấp, bất ổn định.
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các vấn đề châu Phi chiếm tới gần 60% số đề mục trong chương trình nghị sự. Hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực trong đó có Liên minh châu Phi là quan tâm lớn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiện nay Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi cũng có nhiều Phái bộ, hoạt động hỗ trợ, bổ trợ lẫn nhau như ở Somalia, Sahel… Do đó, sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên thảo luận lần này có nhiều ý nghĩa, kết quả đặc biệt. Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Việt Nam đối với công việc của Hội đồng Bảo an, Liên hợp quốc và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, coi trọng vai trò của các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, tranh chấp khu vực. Đây cũng là ưu tiên cao của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021.
Đặc biệt, chúng ta còn nhớ vào tháng 4/2021 khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì rất thành công phiên Thảo luận mở Cấp cao với chủ đề này, nhận được sự hưởng ứng, tham dự đông đảo và đánh giá rất cao từ lãnh đạo các nước thành viên Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế.
Thứ hai, thể hiện sự quan tâm, coi trọng của Việt Nam đối với khu vực châu Phi cũng như Liên minh châu Phi, đồng thời nhấn mạnh tình cảm gắn bó, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Điều này rất có ý nghĩa khi chúng ta đang thúc đẩy để Việt Nam trở thành quan sát viên tại Liên minh châu Phi.
Thứ ba, bài phát biểu và những đề xuất của Chủ tịch nước được lãnh đạo các nước thành viên và các tổ chức tham dự phiên thảo luận hưởng ứng và đánh giá cao. Chủ tịch nước đã nêu nhiều đề xuất quan trọng, trong đó nhấn mạnh tôn trọng tính tự chủ, độc lập của các nước châu Phi; đề nghị các nước châu Phi mở rộng hợp tác, hội nhập, củng cố chủ nghĩa đa phương; tăng cường hợp tác Liên hợp quốc – Liên minh châu Phi để chia sẻ kinh nghiệm toàn diện và hiệu quả; mở rộng hợp tác giữa các tổ chức khu vực, trong đó có quan hệ ASEAN – Liên minh châu Phi; bảo đảm an ninh lương thực để ổn định kinh tế-xã hội, xây dựng nền hòa bình bền vững…
Tóm lại, qua sự kiện lần này, chúng ta một lần nữa đã thể hiện, phát huy được vai trò, trách nhiệm và những đóng góp tích cực của mình trên cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đồng thời tiếp nối thành công của tháng Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021. Với những kết quả và ý nghĩa đó, chúng ta có thể tin tưởng và hướng tới việc Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhiệm xuất sắc nhiệm vụ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ 2020-2021.
Phóng viên: Thứ trưởng đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam với các nước châu Phi cũng như Liên minh châu Phi?
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu:Xin khẳng định rằng, Việt Nam có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với tất cả các nước châu Phi, được xây dựng trên nền móng vững chắc là chính sách đoàn kết giữa các phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa từ những năm 50-60 của thế kỷ trước. Bước sang thế kỷ 21, quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Việt Nam và các nước châu Phi không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị, lãnh đạo các nước châu Phi từ các thế hệ cao tuổi đến thế hệ lãnh đạo trẻ giai đoạn sau này đều có thiện cảm, sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 54/55 quốc gia châu Phi. Hoạt động trao đổi đoàn được duy trì trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, giao lưu nhân dân…
Chính mối quan hệ chính trị tốt đẹp là vốn quý và đã tạo xung lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và các lĩnh vực quan trọng khác giữa Việt Nam và các nước châu Phi. Kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam với các thị trường châu Phi từ mức 2,5 tỷ USD năm 2010 đã tăng 2,5 lần lên 6,8 tỷ USD năm 2020. Hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và khu vực chứng kiến sự gia tăng cả về số lượng, giá trị và địa bàn đầu tư.
Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư gần 3 tỷ USD tại 12 nước châu Phi. Tiêu biểu có một số dự án lớn như dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại Algeria của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, các dự án viễn thông của Viettel tại Burundi, Cameroon, Tanzania và Mozambique. Các dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tích cực tạo công ăn việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân bản địa.
Hợp tác nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác truyền thống, được hai bên triển khai trên cả kênh song phương và đa phương trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam từ những năm 1980. Kết quả hợp tác đã giúp các nước châu Phi nâng cao gấp 2 đến 3 lần năng suất canh tác, đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh lương thực và được Chính phủ, người dân các nước châu Phi như Senegal, Mali, Namibia, Cộng hòa Guinea, Mozambique… đánh giá rất cao.
Ngoài ra, Việt Nam và các nước châu Phi còn duy trì hợp tác trong các lĩnh vực lao động/chuyên gia, văn hóa, giáo dục – đào tạo, giao thông – vận tải…
Về hợp tác tại các diễn đàn, cơ chế đa phương, như được thể hiện ngay tại phiên họp lần này cũng như trong suốt thời gian qua, Việt Nam và các nước châu Phi luôn hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương trong đó có Liên hợp quốc. Vừa qua, với sự ủng hộ của tất cả các nước châu Phi, Việt Nam đã nhận được số phiếu kỷ lục (192/193) để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Ở chiều ngược lại, châu Phi là châu lục đầu tiên và duy nhất cho đến nay Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Từ năm 2014, những “người lính cụ Hồ” đã có mặt tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, đóng góp thiết thực vào nỗ lực kiến tạo hoà bình chung tại châu lục.
Cùng với đó, Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các nước châu Phi ở cấp độ khu vực. Việt Nam có tiếp xúc cấp cao lần đầu tiên với Liên minh châu Phi vào tháng 8/2018 khi cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm trụ sở Liên minh châu Phi. Chúng ta đã chính thức đề xuất thiết lập quan hệ với Liên minh châu Phi vào tháng 7/2020 nhằm tạo cơ chế hợp tác, phối hợp đồng bộ ở cấp độ khu vực với tổ chức khu vực lớn nhất châu Phi này.
Tuy quy mô hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu Phi còn khiêm tốn nhưng tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Tôi tin tưởng với nền tảng vững chắc của mối quan hệ chính trị tốt đẹp, cùng với kết quả hợp tác tích cực có được trong nhiều thập kỷ qua và sự quyết tâm, ủng hộ của lãnh đạo cấp cao, của nhân dân Việt Nam và các nước châu Phi, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên sẽ tiếp tục được làm sâu sắc hơn nữa, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác, phát triển của mỗi bên cũng như mỗi khu vực.
Ý kiến ()