Việt Nam-Mông Cổ tận dụng dư địa thúc đẩy hợp tác thương mại
Chuyến thăm chính thức Mông Cổ sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước mở rộng quan hệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.
Việt Nam và Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954.
Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong 70 năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ và tạo được một số dấu ấn nhất định. Do đó, chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước mở rộng quan hệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư.
Quan hệ bổ trợ
Theo nhận định từ các chuyên gia, Mông Cổ đánh giá rất cao vai trò, vị thế đang lên của Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo Mông Cổ luôn khẳng định Việt Nam là đối tác chính, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ tại khu vực Đông Nam Á, coi Việt Nam là cửa ngõ quan trọng để Mông Cổ thâm nhập vào thị trường 700 triệu dân của ASEAN.
Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Mông Cổ được ký vào năm 1958. Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết: Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại với Bộ Ngoại giao Mông Cổ (ký lần đầu vào năm 2008, tái ký vào tháng 8/2021); Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ (ký ngày 1/11/2023). Năm 2024, Việt Nam và Mông Cổ cùng hướng tới hoạt động kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cũng là cơ hội cho Nhà nước và doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác thực chất hoạt động thương mại.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ Khayangaa Bolorchuluun đã ký kết “Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững” nhằm thiết lập cơ chế hợp tác toàn diện đảm bảo nguồn cung lương thực và ổn định thị trường gạo ở cả hai nước.
Bản ghi nhớ có ý nghĩa quan trọng triển khai nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy và đa dạng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, đồng thời góp phần củng cố và phát triển quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Mông Cổ. Đây là cơ sở quan trọng thiết lập cơ chế để hai bên thường xuyên trao đổi, hợp tác, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ. Đồng thời, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, xuất nhập khẩu gạo.
Tuy nhiên, do thị trường Mông Cổ có quy mô nhỏ, khoảng cách địa lý xa và không thuận lợi về vận chuyển quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Mông Cổ vẫn khiêm tốn. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mông Cổ chủ yếu là chế phẩm từ ngũ cốc; màn hình LCD, màn hình LED và gạo…Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Mông Cổ quặng vonfram và một số mặt hàng khác nhưng không đáng kể.
Thắt chặt hợp tác
Theo các chuyên gia, Mông Cổ là đất nước rất rộng lớn với thế mạnh là trữ lượng khoáng sản phong phú sẽ là những lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước. Đặc biệt trong việc tăng cường mở rộng hợp tác giữa doanh nghiệp lĩnh vực khai thác mỏ, kim loại đất hiếm, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xe điện, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, thế mạnh của Việt Nam với thị trường hơn 100 triệu dân đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng. Từ Việt Nam, doanh nghiệp Mông Cổ sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường ASEAN cũng như thị trường rộng lớn trên thế giới vì Việt Nam đã ký hơn 17 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Tại Lễ ra mắt Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mông Cổ, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Mông Cổ kiêm Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Huy Tuấn cho biết trong bối cảnh hai nước đang tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mông Cổ mong muốn phát huy vai trò trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế của hai quốc gia.
"Với vai trò tiên phong, Hội và các doanh nhân có kinh nghiệm lâu năm sẽ hỗ trợ cộng đồng người Việt nhằm giảm thiểu rủi ro trong đầu tư kinh doanh ở sở tại, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc kinh doanh hiệu quả tại Mông Cổ," ông Nguyễn Huy Tuấn thông tin.
Đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai bên, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh hợp tác về kinh tế-thương mại không ngừng được tăng cường và mở rộng, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt trên 130 triệu USD. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ còn khiêm tốn nhưng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng từ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ nông sản và nguyên liệu từ Mông Cổ như than đá, thịt bò, dê, cừu và các sản phẩm từ gia súc.
Có thể thấy, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp. Về kinh tế, hai bên có thể tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như khai khoáng, luyện thép, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chăn nuôi.
Nông nghiệp cũng là lĩnh vực tiềm tàng cho hợp tác giữa hai nước. Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi, Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt và sản xuất thực phẩm. Hai nước có thể hợp tác trao đổi công nghệ, kinh nghiệm và sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam và Mông Cổ cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và trao đổi công nghệ, nhất là trong nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ tạo ra các cơ hội phát triển bền vững cho hai nước.
Nhận định từ các chuyên gia, về hợp tác thương mại, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu hai nước không cạnh tranh, xung đột mà có tính bổ sung đối với thị trường của nhau. Do vậy, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa song phương, mở cửa cho hàng hóa của nhau trên cơ sở có đi có lại, đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu của mỗi bên; tạo điều kiện cho mặt hàng nông, thủy, hải sản, dược phẩm thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Mông Cổ. Ngược lại là mặt hàng khoáng sản, than đá, len, dạ vào Việt Nam, thúc đẩy mục tiêu nâng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.
Về hợp tác đầu tư, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhất là các ngành mà hai bên có thế mạnh; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, triển khai hoạt động đầu tư tại mỗi nước. Doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét việc đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng, sản xuất chế biến thức ăn gia súc, sản xuất chế biến các sản phẩm thịt, sữa, da… để bán tại thị trường Mông Cổ và xuất khẩu sang các nước xung quanh.
Nhằm tăng cường hợp tác, phát triển quan hệ thương mại song phương hướng tới mục tiêu kim ngạch hai chiều đạt 200 triệu USD, Bộ Công Thương cho rằng hai bên tích cực nghiên cứu sản phẩm thế mạnh, có tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Mông Cổ.
Đáng lưu ý cần tăng cường trao đổi các đoàn mua hàng; tích cực tổ chức và vận động doanh nghiệp hai nước tham gia xúc tiến thương mại tại cả Việt Nam và Mông Cổ; tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước…
Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mông Cổ tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mông Cổ; phối hợp với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ triển khai Bản ghi nhớ về thương mại gạo bền vững./.
Ý kiến ()