Việt Nam: Mạnh mẽ ứng phó khí hậu là động lực thúc đẩy phát triển
Từ kinh nghiệm của Việt Nam thời gian qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng cam kết mạnh mẽ về ứng phó khí hậu cần xuất phát từ tầm nhìn dài hạn, thông qua cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm…
Ngày 16/2, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Phiên Đối thoại Cấp cao với chủ đề “Các ưu tiên phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2023.”
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tham dự phiên đối thoại này có bà Kanni Wignaraja, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Trợ lý Tổng Giám đốc UNDP, Giám đốc Cục châu Á-Thái Bình Dương của UNDP và 23 Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và Phó Trưởng Phái đoàn các nước trong khu vực.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, được mời làm diễn giả chính tại Phiên Đối thoại.
Tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ quan ngại về việc tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang rất chậm do tác động của khủng hoảng đa chiều. Ông cho biết để khắc phục tình trạng chậm trễ này cần có cách tiếp cận mới và hướng tới các biện pháp có thể triển khai trong tương lai gần.
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc gia trong việc triển khai hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh đây là con đường tất yếu của phát triển bền vững.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam thời gian qua, Đại sứ cho rằng cam kết mạnh mẽ về ứng phó khí hậu cần xuất phát từ tầm nhìn dài hạn, thông qua cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, người dân làm chủ, quản trị tốt, tăng cường hợp tác quốc tế để huy động tài chính và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm công bằng và công lý.
Về phần mình, bà Wignaraja đã hoan nghênh chính sách và cam kết nhất quán của Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu nói chung và chuyển đổi năng lượng nói riêng.
Tại Phiên Đối thoại, các đại biểu đã thống nhất nhận định các thách thức toàn cầu như dịch bệnh, xung đột, khủng hoảng kinh tế, lương thực, năng lượng đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực.
Các đại biểu cũng trao đổi thêm về các thách thức, biện pháp nhằm thúc đẩy hành động khí hậu và chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh phải đồng thời ứng phó với nhiều nguy cơ khẩn cấp, hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững./.
Ý kiến ()