Việt Nam mang lại sự 'năng động mới' cho Hiệp hội ASEAN
Theo Đại sứ Kamsiah, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN và một trong những lý do giúp ASEAN tăng trưởng kinh tế tốt là nhờ sự đóng góp của các nước như Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn thường trực Malaysia tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà Kamsiah Kamaruddin , đánh giá việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào ngày 28/7/1995 đã mang lại “sự năng động mới” cho tổ chức khu vực này.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Kamsiah nhận định: “Với 6 quốc gia ban đầu, các nước thành viên ASEAN có nhiều điểm tương đồng. Nhưng khi Việt Nam xuất hiện, Hà Nội đã mang đến sự năng động mới, những nhân tố mới, và chúng tôi đã phối hợp cùng với Việt Nam để xây dựng một ASEAN mạnh hơn.”
Đại sứ Kamsiah cho biết bà có nhiều kỷ niệm cá nhân với nhiệm vụ đầu tiên khi bước chân vào Bộ Ngoại giao Malaysia là xử lý hồ sơ kết nạp Việt Nam vào ASEAN, và sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và ASEAN.
Phần lớn ý nghĩa này xuất phát từ việc cả ASEAN và Việt Nam đều phải điều chỉnh, mở cửa và thay đổi.
Nhà ngoại giao Malaysia cho rằng sự thay đổi đó được cả ASEAN và Việt Nam thực hiện vì lợi ích của cả hai bên, nhờ đó cả Việt Nam và ASEAN cùng thịnh vượng và phát triển như ngày nay.
Theo Đại sứ Kamsiah, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất của ASEAN và một trong những lý do giúp ASEAN tăng trưởng kinh tế tốt là nhờ sự đóng góp của các nước như Việt Nam.
Ngoài ra, ASEAN cũng được hưởng lợi rất nhiều khi kết nạp Việt Nam, và tiếp đó là Myanmar, Lào và Campuchia. Việc kết nạp 4 thành viên mới này đã đưa ASEAN trở thành một thực thể hợp nhất bao trùm toàn bộ khu vực.
Về những khó khăn và thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt, Đại sứ Kamsiah cho biết các nước trong khu vực vẫn đang phải nỗ lực kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tìm cách để tiến lên như một thực thể thống nhất. Bà cho rằng dịch bệnh có thể sẽ còn kéo dài, và đây là vấn đề đặt ra không chỉ đối với Chủ tịch ASEAN đương nhiệm mà còn đối với các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới.
Tuy nhiên, Đại sứ Kamsiah đánh giá Việt Nam đã làm “tốt nhất có thể” trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Bà bày tỏ: “Tôi rất trân trọng và ngưỡng mộ Việt Nam khi đã có thể thúc đẩy được một số chương trình nghị sự của ASEAN vào thời điểm rất khó khăn này,” đồng thời nêu rõ Việt Nam đã thể hiện được vai trò lãnh đạo mạnh mẽ qua việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN, không chỉ nhằm ứng phó với dịch COVID-19 mà còn cả trong giai đoạn phục hồi.
Theo Đại sứ Kamsiah, ASEAN đã có nhiều cuộc thảo luận, không chỉ trong nội bộ, mà cả với các nước đối tác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Nga… về cách ASEAN có thể giúp thế giới phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Việc các cường quốc này mong muốn tiếp cận, thảo luận với ASEAN đã chứng tỏ vị thế và vai trò của tổ chức này và đây cũng chính là điều mà nước Chủ tịch Việt Nam đã mang lại cho ASEAN.
Ngoài ra, hiện ASEAN vẫn đang thảo luận nhiều vấn đề khác liên quan đến COVID-19. Và một lần nữa, Việt Nam đã thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình, đặc biệt là trong việc dẫn dắt các cuộc thảo luận với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản về các lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn, một trong số đó là tìm kiếm vaccine với giá cả phải chăng và có thể cung cấp cho tất cả mọi người.
Ngoài chương trình nghị sự hàng đầu nói trên, Đại sứ Kamsiah cũng cho biết nước Chủ tịch ASEAN Việt Nam đang dành ưu tiên thúc đẩy vấn đề phụ nữ, trẻ em và phát triển bền vững, nhất là sự bền vững môi trường biển, bất chấp việc đại dịch COVID-19 đang chiếm nhiều nguồn lực và thời gian của cả khối.
Theo Đại sứ Kamsiah, bất chấp các khó khăn, ASEAN cần tăng cường kết nối – điều được cho là quan trọng nhất hiện nay giúp ASEAN phục hồi từ đại dịch. Cả trong lĩnh vực này, Việt Nam đã đi đầu và rất nỗ lực cố gắng để thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN về kết nối.
Đại sứ Kamsiah cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề khác mà ASEAN cần phải làm, như tiếp tục các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN; đảm bảo cân bằng giữa phục hồi kinh tế, an toàn và sức khỏe của người dân trong khu vực; thiết lập hành lang đi lại nhằm tạo tiền đề cho phục hồi kinh tế…
Đánh giá về vai trò và vị trí của ASEAN sau 53 năm xây dựng và phát triển, Đại sứ Kamsiah nhận định ASEAN giữ vị trí trung tâm trong “Thế kỷ châu Á.”
Nếu so với các tổ chức khác như Liên minh châu ÂU (EU), ASEAN có sự đa dạng hơn, không chỉ với các quốc gia khác nhau, các hệ thống chính trị khác nhau mà cả với các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh “điều ràng buộc chúng ta với nhau là cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ và cách chúng ta nhìn khu vực tiến về phía trước.”
Đại sứ Kamsiah cho rằng một trong những bản sắc lớn nhất của ASEAN là sự đồng thuận. Theo đó, dù lớn, dù mạnh hay giàu có, nhưng khi đưa ra quyết định cho toàn khối đều cần phải có sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên. Đây cũng là điều thực sự khác biệt giữa ASEAN với các tổ chức khu vực khác.
Ngoài ra, dù nằm cùng khu vực, các nước thành viên ASEAN đều là những nước láng giềng, đối tác thân thiết, thực sự tôn trọng chủ quyền của nhau. Điều này là một “bản sắc mạnh mẽ” của ASEAN.
Một yếu tố khác định hình bản sắc của ASEAN, đó là niềm tin rằng nếu muốn thịnh vượng, một quốc gia cần phát triển thịnh vượng các nước láng giềng của mình.
Đại sứ Kamsiah kết luận: “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều thống nhất quan điểm không một quốc gia nào có thể tự đứng vững, không một quốc gia nào có thể thịnh vượng một mình. Và tôi nghĩ ASEAN là một ví dụ hoàn hảo về cách mà chúng ta có thể hợp tác cùng nhau, phát triển thịnh vượng để toàn bộ khu vực cũng phát triển thịnh vượng”./.
Ý kiến ()