Việt Nam - Malaysia: Sơ đồ chiến thuật nào khi vắng Quang Hải
So với Indonesia, lối chơi của Malaysia cũng tương đồng về độ rắn nhưng nhỉnh hơn về độ quái. Họ sẵn sàng chơi quyết liệt để chiếm lợi thế và đoạt bóng, nhưng hiệu quả hơn, sắc lạnh hơn trong bước triển khai bóng tiếp theo. Hiểu một cách nôm na thì Malaysia hiểm nguy ở chỗ vừa phá được lối đá của người vừa dùng được lối đá của mình.
Triết lý này giúp Malaysia có một giai đoạn hoàng kim, khi “cáo già” Rajagopal cầm quân vô địch SEA Games 2009, 2011 và AFF Cup 2010, trở thành khắc tinh của các đội tuyển Việt Nam do HLV Calisto dẫn dắt. Ngay cả khi đã sa sút và trải qua những triều đại khác của Ong Kim Swee, Tan Cheng Hoe, người Mã chưa bao giờ từ bỏ phong cách riêng của họ. Năm 2014, Malaysia tiếp tục khiến thầy trò HLV Miura ôm hận ở Mỹ Đình (bán kết lượt về AFF Cup) với thất bại 2-4 ngỡ ngàng như thể ngủ mơ.
Từ khi HLV Park Hang-seo đến, tuyển Việt Nam đá với Malaysia thành công hơn: thắng 3, hoà 1. Nhưng cả 4 trận đều là những màn đấu trí đấu lực đầy khó khăn, kịch tính, nơi mà ranh giới thắng thua thực sự mong manh.
Ở lần gặp thứ 5 này, cả hai đều chung mục tiêu chiến thắng, nhưng ở phía người Mã, họ đã bị dồn đến bước đường cùng. Nếu không có 3 điểm, cuộc chơi World Cup sẽ kết thúc ngay với họ.
HLV Tan Cheng Hoe, trong những nỗ lực lên dây cót tinh thần, tuyên bố rằng Malaysia đã có những kế sách để khuất phục Việt Nam, rằng kết cục lần này sẽ khác, rằng các chân sút của ông sẽ cải thiện khả năng dứt điểm…
Nhưng nếu nói về dứt điểm thì thống kê của đội ông Tan đang rất tệ. Trong trận đấu với UAE, Malaysia có 5 cú sút và 6 quả phạt góc, tất cả đều vô hại. Tiền đạo gốc Brazil Lucrecio thậm chí còn bị cựu tuyển thủ Saffe Sali bóng gió gọi là “cú lừa nhập tịch”, do lười chạy chỗ và thiếu tính đột biến.
Tất nhiên, phải gặp một đối thủ ở đẳng cấp cao hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn như UAE, thật khó để Malaysia thể hiện được chất lượng tấn công của họ. Nhưng ở chiều ngược lại, khả năng phòng thủ của đội bóng Đông Nam Á cũng là thảm hoạ.
4 bàn thua, một nửa trong số đó có trách nhiệm của đội trưởng Mohamad Aidil, người đá trung vệ lệch phải liên tiếp mắc lỗi vị trí trong 69 phút có mặt trên sân. Dàn hậu vệ 4 người cũng tỏ ra lúng túng và sơ hở trong bọc lót, khiến bẫy việt vị trở thành “tai nạn” bất cứ lúc nào.
Đó chắc chắn là những chi tiết sẽ được HLV Park Hang-seo bôi đậm trong cuốn sổ tay chiến thuật.
Song song với “đọc bài” đối thủ, ông Park cũng buộc phải tính toán những nước cờ hóc búa của chính mình. Khó khăn lớn nhất đương nhiên là tìm người trám vào Quang Hải.
Nhà cầm quân Hàn Quốc đã quá quen với việc có tiền vệ sáng tạo CLB Hà Nội trong mọi sơ đồ, kế hoạch. Bất luận phong độ của Hải trồi sụt thế nào, tịt ngòi bao lâu, chỉ cần anh khoẻ là ông Park điền tên anh vào đá chính.
Riêng với Malaysia, Quang Hải là một nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai. Chung kết AFF Cup 2018, anh chuyền bóng ở tư thế giống như một VĐV thể dục dụng cụ cho Anh Đức ghi bàn quyết định. Ở lượt đi chính tại bảng đấu này, trong thế bế tắc của toàn đội, pha móc bóng xuất thần của Quang Hải cũng mang lại 3 điểm, đẩy Malaysia vào tình thế tuyệt vọng hiện giờ.
Dễ hiểu vì sao HLV Tan Cheng Hoe lại nhẹ lòng đến thế khi Hải “con” vắng mặt. Nhưng như thầy Park nói, mọi vị trí của tuyển Việt Nam đều có các phương án dự phòng, và Quang Hải nghỉ trận này cũng là điều tốt, để giữ sức cho cuộc chạm trán UAE.
Trong tay ông, không có mẫu cầu thủ nào độc đáo và đa năng như Hải để có thể coi là lựa chọn số 2. Dù vậy, chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ với những người đóng thế, ông cũng cho ra được đáp số tương đương.
Đấy có thể là Trọng Hoàng, cầu thủ vốn rất được tin dùng ở hành lang phải. Nhưng chỗ đó, Văn Thanh đang chơi bùng nổ. Trở lại sau án treo giò, một nhân tố đặc biệt như Hoàng hoàn toàn đủ khả năng bó vào trung lộ để tăng cường chất cơ bắp chống phản công.
Đấy có thể là Minh Vương, người đang chơi tuyệt hay bên cạnh Xuân Trường tại HAGL. Lần tập trung này, ông Park đang kế thừa khá nhiều thành quả của HLV Kiatisuk, trong đó có sự hồi sinh tiền vệ Tuyên Quang. Phong độ xuất sắc của Trường ở trận trước có thể là một gợi ý để kéo theo Minh Vương vào hệ thống, dĩ nhiên trong trường hợp Tuấn Anh không kịp phục hồi.
Đấy có thể là Hoàng Đức, chân sút từng ghi bàn thắng hàng siêu phẩm trong chiến dịch Vàng SEA Games 2019. Lợi thế của Hoàng Đức là thể hình, kỹ thuật, dù anh vẫn thiếu một chút gì đó bản năng sát thủ trong những tình huống có thể gây đột biến – tình huống tạo ra ngôi sao.
Đấy cũng có thể là Công Phượng, cầu thủ đang có xu hướng đá lùi hơn, rộng hơn trong thời gian gần đây. Ông Park ưu tiên sử dụng Phượng như giải pháp đột biến từ ghế dự bị, hiệp 2 thường là khoảng thời gian hiệu quả của anh. Nhưng trong hoàn cảnh Văn Toàn cũng đang bị đau, một vị trí con thoi dành cho Phượng là có cơ sở.
Bài toán Quang Hải có nhiều lời giải, nhưng để giải nó hiệu quả nhất, đòi hỏi ông Park và cộng sự phải chấm phá thêm vào sa bàn những nét chì nhạy cảm. Nhạy cảm ở chỗ tiếp cận trận đấu bằng sơ đồ nào, biến đổi nó ra sao…
Tuyển Việt Nam đã đánh bại ý đồ tử thủ của Indonesia bằng một đường chuyền không thể chất lượng hơn của Hồng Duy, từ cánh trái nhắm đến tiền đạo mũi nhọn Tiến Linh đang băng lên ở trung lộ. Pha ghi bàn của Tiến Linh gây tranh cãi, nhưng kiến tạo nên bàn thắng đó là một miếng đánh tập thể nhuần nhuyễn, thể hiện khả năng di chuyển, hút người của cả hệ thống tấn công.
Hồng Duy chính là mắt xích tạo ra bất ngờ, bởi trước đó, anh tham gia tấn công không nhiều, nếu có thì cũng chủ yếu là những pha đột phá mang dấu ấn cá nhân. Đó cũng là lúc Indonesia tập trung hơn để ngăn chặn cánh đối diện, nơi có Văn Thanh liên tục dâng cao.
Sự mạo hiểm của Văn Thanh giúp thầy Park có thêm một vị trí đe doạ thường xuyên khu vực 16m50 của đối thủ. Nhiều thời điểm tuyển Việt Nam chơi 3 tiền đạo (Văn Đức – Văn Toàn – Tiến Linh), với xu hướng Tiến Linh làm tường, Văn Toàn chạy phá sức hậu vệ, còn Văn Đức cắt chéo vào trong tạo ra những điểm đón bóng dứt điểm cự ly gần. Ở tuyến hai, Quang Hải, Tuấn Anh (từ phút 36 thay bằng Xuân Trường) chờ những tình huống phát sinh để sút xa hoặc triển khai một pha hãm thành mới.
Các đợt tấn công theo nhiều hướng khiến hàng thủ Indo bị động, cộng thêm việc phải bung sức đá rát từ xa và từ sớm khiến họ tụt sức rất nhanh. Tan Cheng Hoe chắc chắn đã nhận ra những sai lầm của đồng nghiệp Shin Tae-yong, bản thân Malaysia cũng không thể tử thủ chờ hoà, nên nhiều khả năng họ sẽ chọn cách đá phòng ngự chủ động, phản công ngay khi có thể.
Tuyển Việt Nam vì thế sẽ nhập cuộc thận trọng hơn, với sơ đồ 3-5-2 trước hết đảm bảo vững chắc khu trung tuyến. Ngoài những thời điểm gây áp lực dồn dập theo phong cách của ông Park (đầu mỗi hiệp, lúc đối thủ thay người…), chúng ta cần giữ được sự cân bằng với những vị trí đánh chặn đúng nghĩa.
Ông Park cũng đã có đủ kinh nghiệm qua 4 lần chạm trán người Mã. Tấn công trực diện không phải lúc nào cũng hiệu quả trước phòng tuyến số đông. Thay vì thế, tuyển Việt Nam cũng có lúc nhường sân cho đối thủ và chờ sai số từ sau lưng họ, đấy mới là mấu chốt để giải quyết thế bế tắc.
Cục diện các bảng đấu khác cũng đang ủng hộ thầy trò HLV Park Hang-seo nghiêng về một lựa chọn an toàn. Thắng Malaysia là kết quả tuyệt đẹp cho quyền tự quyết từ ngôi nhất bảng, nhưng nếu hoà, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế trong trường hợp xấu nhất, phải cạnh tranh 4 suất nhì đi tiếp.
Đối đầu Việt Nam – Malaysia: 7 năm bất bại
10/10/2019, Vòng loại World Cup: Việt Nam – Malaysia: 1-0
15/12/2018: AFF Suzuki Cup (chung kết lượt về): Việt Nam – Malaysia: 1-0
11/12/2018: AFF Suzuki Cup (chung kết lượt đi): Việt Nam – Malaysia: 2-2
16/11/2018: AFF Suzuki Cup (vòng bảng): Việt Nam – Malaysia: 2-0
11/12/2014: AFF Suzuki Cup (bán kết lượt về): Việt Nam – Malaysia: 2-4
Theo Nhandan
Ý kiến ()