Việt Nam luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ hơn nữa của quan hệ ASEAN-Nhật Bản
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp tốt để lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và Nhật Bản đánh giá thành quả hợp tác, từ đó đề ra định hướng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới, xứng tầm với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chia sẻ với báo chí trước thềm chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị, được tổ chức ngay sau khi ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Đề ra định hướng phát triển quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong giai đoạn mới
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, qua 50 năm, quan hệ ASEAN-Nhật Bản phát triển toàn diện, năng động trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển.
Nhật Bản được đánh giá là đối tác tin cậy, thực chất và hiệu quả, là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN. Nhật Bản luôn ủng hộ đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN và có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng.
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dịp để hai bên nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc Thủ tướng tham dự Hội nghị lần này cũng cho thấy Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN, luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ hơn nữa của quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Đề cập tới ý nghĩa của chuyến thăm đối với quan hệ hai nước, ông Hiệu chia sẻ, thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, giao lưu cấp cao và các cấp diễn ra mật thiết.
Đặc biệt, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cuối tháng 11 vừa qua.
“Trên nền tảng mối quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội nghị, đồng thời thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới được xác lập”, Đại sứ nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyến thăm sắp tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Việt Nam đóng góp tích cực vào tăng cường quan hệ ASEAN-Nhật Bản
Chia sẻ về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-ASEAN, Đại sứ cho biết, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của ASEAN.
Hơn nữa, Việt Nam luôn chủ động, tích cực thúc đẩy củng cố và nâng tầm quan hệ ASEAN – Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ và phát triển theo hướng hiệu quả, thực chất và cùng có lợi.
Khi Nhật Bản đưa ra đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm và thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản trong năm 2023, Việt Nam sớm ủng hộ và luôn tham gia đóng góp tích cực, kịp thời để cụ thể hóa những đề xuất này, bảo đảm đúng lộ trình mà ASEAN-Nhật Bản đã đề ra từ đầu năm.
Một trong những đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản phải kể đến việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, với những thách thức khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, Việt Nam đã triển khai công tác điều phối một cách sáng tạo, phù hợp với bối cảnh tình hình và nhu cầu hợp tác, mang lại lợi ích thực chất cho hai bên, đặc biệt là việc Nhật Bản đóng góp khoản hỗ trợ 50 triệu USD thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), được công bố vào năm 2020, cùng trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN.
Ông Hiệu cho rằng, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới mà còn góp phần tích cực vào tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN.
Quan hệ ASEAN-Nhật Bản: Mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim”
Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản bắt đầu thiết lập vào năm 1973. Năm 1977, Thủ tướng Fukuda đã công bố Học thuyết Fukuda lịch sử, đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN. Kể từ đó, chính sách ngoại giao “từ trái tim đến trái tim” của ông đã trở thành “điểm tựa” cho mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Trải qua chặng đường 50 năm, ASEAN và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau. Cơ sở để tạo dựng niềm tin cho mối quan hệ hợp tác này là việc hai bên luôn coi trọng quan hệ, coi nhau là những đối tác bình đẳng.
Trong suốt chặng đường qua, Nhật Bản luôn tích cực đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác hiệu quả với ASEAN. Ngược lại, ASEAN luôn cần sự hỗ trợ của Nhật Bản để xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng. Trải qua nửa thế kỷ, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên.
Trong lĩnh vực kinh tế, từ lâu, Nhật Bản đã là một trong những đối tác kinh tế “đáng tin cậy nhất” của ASEAN. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN.
Ngoài quan hệ kinh tế, Nhật Bản còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác tài chính với các nước trong khối. Thông qua khuôn khổ ASEAN 3 được thành lập năm 1999, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong thời kỳ khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ ở châu Á.
Nhật Bản và ASEAN phát triển mối quan hệ không chỉ với tư cách là đối tác thương mại và đầu tư lớn, mà còn là những người bạn thực sự với mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” được xây dựng thông qua nhiều hoạt động giao lưu nhân dân.
Hiện nay, tổng số thành viên của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA) là hơn 50.000 người. Kể từ năm 2007, Chương trình Giao lưu thanh niên Nhật Bản-Đông Á (JENESYS) cũng đã mời khoảng 47.000 lượt học sinh, sinh viên khu vực Đông Nam Á sang Nhật Bản, cả trực tiếp và trực tuyến, để tham quan, học tập và ngược lại.
Ngoài ra, Quỹ Nhật Bản đã thực hiện khoảng 2.500 dự án trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước ASEAN./.
Ý kiến ()