Trong mười năm trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao, cùng những chính sách kinh tế, xã hội hiệu quả và nỗ lực chung của cả nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, được LHQ và quốc tế ghi nhận là quốc gia thành công và đi đầu trong việc thực hiện các MDGs ở châu Á – Thái Bình Dương. Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế – Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của LHQ (UNESCAP), Việt Nam đã hoàn thành khoảng 90% các chỉ tiêu MDGs, đứng đầu khu vực Đông – Nam Á. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân hằng năm của Việt Nam trong thời kỳ 2000 – 2010 đạt 7,2%; GDP bình quân đầu người năm 2010 ước khoảng 1.200 USD, gấp ba lần so với năm 2000. Với mức này, Việt Nam chuyển từ vị trí nhóm nước nghèo nhất sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp. Cùng với phát triển kinh tế, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm và ưu tiên nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo và phát triển xã hội.
LHQ, các tổ chức quốc tế và nhiều nước hy vọng đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao kiểm điểm việc thực hiện các MDGs, như một mô hình thành công, thể hiện tính khả thi, thiết thực của các MDGs, chia sẻ kinh nghiệm và có những đề xuất cụ thể đối với kế hoạch hành động nhằm thực hiện MDGs. Các nước cũng rất quan tâm đến một nước Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới toàn diện, quan hệ rộng mở với bên ngoài và có vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, cũng như tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chia sẻ lo ngại với cộng đồng quốc tế về tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có biến động về nguồn nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị các nước, các tổ chức quốc tế có chiến lược khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững nguồn nước, bởi đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với an sinh xã hội của người dân và sự ổn định của từng khu vực. Việt Nam chia sẻ nguồn nước sông Mê Công cùng nhiều nước khác, vì vậy Việt Nam sẽ phối hợp với các nước trong lưu vực khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước con sông này vì lợi ích của người dân cũng như sự phát triển bền vững.
Mở rộng quan điểm bền vững trong phát triển ở cấp độ quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với phát triển kinh tế không chỉ là sự ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng cao mà còn cả việc bảo đảm an ninh kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, trong đó có cả hiệu quả đầu tư. Phát triển kinh tế cần được kết hợp hài hòa với thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thói quen tiêu dùng cùng phương thức sản xuất tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thân thiện với môi trường và chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên bình diện quốc tế, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, để bảo đảm phát triển bền vững, cộng đồng quốc tế cần sớm cải tổ hệ thống tài chính, kinh tế quốc tế hiện còn nhiều bất cập. Điều này đã bộc lộ rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới đang gây tác động đến cả thế giới. Chủ tịch nước cũng đề nghị cần sớm giải quyết vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng, khôi phục tăng trưởng kinh tế cùng với tăng hỗ trợ nhằm hạn chế ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế – tài chính đối với các nước đang phát triển, kết thúc sớm các vòng đàm phán quốc tế về thương mại và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn và kêu gọi các nước mở rộng hợp tác, phấn đấu cho hòa bình, thực hiện hiệu quả các cam kết, chương trình hành động cho sự phát triển bền vững vì lợi ích chung của tất cả các dân tộc, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
* Ngày 21-9, tại TP Niu Oóc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clin-tơn nhân dịp Hội nghị thường niên của Sáng kiến Toàn cầu Clin-ton (CGI). Chủ tịch nước cũng đã tiếp Tổng thống Phi-li-pin Bê-ni-nô A-ki-nô và Tổng thống CH Trung Phi Phrăng-xoa Bô-di-dê Iăng-gu-vông-đa.
Tại cuộc gặp nhân Hội nghị thường niên của CGI, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và cựu Tổng thống B.Clin-tơn đã trao đổi ý kiến về hoạt động của CGI và tình hình quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch nước đánh giá cao đóng góp của CGI trong nỗ lực chung của LHQ và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hướng tới các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) cũng như những đóng góp của cá nhân ông B.Clin-tơn trong việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống B.Clin-tơn cho rằng, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp, hai nước có nhiều cơ sở để tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển trong thế kỷ 21. Ông đồng thời khẳng định, Quỹ Clin-ton mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực phòng, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Cựu Tổng thống B.Clin-tơn bày tỏ sự cảm kích đối với lòng hiếu khách mà người dân Việt Nam đã dành cho ông trong chuyến thăm Việt Nam năm 2001 cũng như đối với bà Hi-la-ri Clin-tơn trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua. Ông chúc mừng nhân dân Việt Nam nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và mong muốn được thăm lại Việt Nam.
Năm 2005, cựu Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn đã sáng lập CGI. Nay, CGI đã trở thành một diễn đàn quan trọng diễn ra hằng năm bên lề khóa họp Đại Hội đồng LHQ. Ở Việt Nam, CGI đã có các hoạt động trợ giúp trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS từ năm 2005.
* Trong buổi tiếp Tổng thống Phi-li-pin Bê-ni-nô A-ki-nô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng những thành tựu của Phi-li-pin trong thời gian qua, nhất là nỗ lực khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đạt được tăng trưởng khá ấn tượng trong những tháng đầu năm 2010. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng nhận thấy trong thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phi-li-pin tiếp tục phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực; đồng thời tin tưởng sự kiện kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Phi-li-pin trong năm 2011 sẽ là cơ hội tốt để hai bên cùng kiểm điểm và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác ngày càng phát triển.
Tổng thống Bê-ni-nô A-ki-nô đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội, vị thế trong khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao; chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010 và cho đây là kinh nghiệm tốt để các nước tham khảo. Tổng thống Phi-li-pin khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, nhất là với các nước ASEAN, nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Ông đồng thời bày tỏ mong muốn sang thăm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
* Tại buổi tiếp Tổng thống CH Trung Phi Phrăng-xoa Bô-di-dê Iăng-gu-vông-đa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, hai nước có nhiều điểm tương đồng và đây là cơ sở để Việt Nam và CH Trung Phi phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới. Chủ tịch nước mong muốn tình hữu nghị giữa hai nước sẽ được thắt chặt thông qua hợp tác hiệu quả trên các lĩnh vực. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với CH Trung Phi theo các mô hình hợp tác.
Tổng thống Iăng-gu-vông-đa bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhấn mạnh, CH Trung Phi rất coi trọng hợp tác Nam – Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong hai lĩnh vực nông nghiệp và cơ sở hạ tầng nông nghiệp, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Điều này đã được thể hiện qua việc CH Trung Phi tham dự Hội thảo Việt Nam – châu Phi tại Hà Nội vừa qua. Tổng thống Iăng-gu-vông-đa khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành của nước này trao đổi, phối hợp với phía Việt Nam để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể.
Tổng thống Iăng-gu-vông-đa trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm CH Trung Phi. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã vui vẻ nhận lời và đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp thu xếp chuyến thăm.
* Cùng ngày, tại TP Niu Oóc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na Xven An-ca-lai, Thứ trưởng Ngoại giao Mê-hi-cô Lâu-đơ A-ran-đa Bê-dau-ri và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Cớt Cam-ben để trao đổi về các vấn đề quan hệ song phương, khu vực và quốc tế.
Ý kiến ()