Việt Nam-Lào tăng cường hợp tác về công tác xuất bản
Toàn cảnh hội đàm |
Hai bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác xuất bản như tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản; kinh nghiệm lựa chọn đề tài, tổ chức bản thảo; công tác quản lý in ấn, phát hành; công tác đào tạo cán bộ và việc học tiếng Việt…
Hai bên đánh giá cao những thành quả quan trọng đạt được trong mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau thời gian qua của hai nhà xuất bản, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, phát huy truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Hai bên đã cùng nhau trao đổi về tình hình thực hiện kế hoạch công tác biên tập, xuất bản, các hoạt động công tác khác và một số vấn đề hai bên cùng quan tâm dựa trên cơ sở những thoả thuận đã được ghi nhận trong các biên bản làm việc trước đây.
Quyền Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành cho biết, năm 2018, thực hiện chủ trương của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Nhà xuất bản và Phát hành sách quốc gia Lào, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào lựa chọn 15 đầu sách lý luận, chính trị của Việt Nam có giá trị về các vấn đề như xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố và tăng cường hệ thống pháp luật, kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội để dịch sang tiếng Lào.
Ông Phạm Chí Thành mong muốn Nhà xuất bản và Phát hành sách quốc gia Lào sẽ là cầu nối, hỗ trợ liên hệ với Hội đồng thẩm định sách dịch sang tiếng Lào để bảo đảm các đầu sách xuất bản đúng tiến độ và chất lượng.
Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên cùng thống nhất hằng năm, thực hiện chủ trương của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giúp đỡ Lào lựa chọn từ 10-15 đầu sách lý luận, chính trị có giá trị của Việt Nam (về các vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; củng cố và tăng cường hệ thống pháp luật; kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội…), dịch sang tiếng Lào (mỗi đầu sách 1.000 bản) để cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội của Lào nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Bên cạnh đó, phía Lào cũng mong muốn Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ biên tập, xuất bản và quản lý của Nhà xuất bản và Phát hành sách quốc gia Lào, đào tạo cán bộ Lào được học tiếng Việt.
Ý kiến ()