Việt Nam - Lào hợp tác phát triển thương mại biên giới
Tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình, Bộ Công Thương Việt Nam vừa phối hợp với Bộ Công Thương Lào tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XI năm 2018.
Bộ Công Thương hai nước ký kết Biên bản hợp tác phát triển thương mại biên giới giai đoạn 2018-2020. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào Bounmy Manivong, lãnh đạo 20 tỉnh biên giới Việt Nam- Lào và các doanh nghiệp hai nước.
Từ hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam- Lào lần thứ X được tổ chức tại tỉnh Attapeu (Lào) đến nay, quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, dịch vụ và đầu tư.
Trong thời gian qua, hai bên trao đổi và ký kết các thỏa thuận hợp tác, góp phần tiếp tục thắt chặt và phát triển hơn nữa mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam- Lào lên tầm cao mới.
Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam- Lào có 33 cửa khẩu, trong đó có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở, thành lập được 9 khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào năm 2017 đạt 935,8 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Lào năm 2017 đạt 524,5 triệu USD, tăng 9,7 % so với năm 2016, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 411,3 triệu USD, tăng 19%.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào đạt 655,8 triệu USD, tăng 12,9 % so với cùng kỳ.
Các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Lào chủ yếu là thủy sản, giày da, may mặc, vật liệu xây dựng, sắt thép, xăng dầu các loại. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Lào là gỗ và sản phẩm từ gỗ, quặng và khoáng sản…
Trong thời gian qua, hai nước tiếp tục áp dụng ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0% và giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Lào và Việt Nam (chiếm khoảng 98% trong tổng số các dòng thuế của cả 2 nước). Hiệp định thương mại song phương và Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam – Lào đã xóa bỏ thuế quan cho hơn 95% mặt hàng có xuất xứ từ hai nước.
Riêng tỉnh Quảng Bình đã tạo điều kiện cho Lào triển khai dự án “Xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La, Quảng Bình, Việt Nam sang tỉnh Khăm Muộn, Lào” do Công ty CP Lào Petro làm chủ đầu tư.
Tại hội nghị, hai bên cùng nhau đánh giá kết quả đạt được trên các mặt như hợp tác phát triển chợ biên giới, xúc tiến thương mại, công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, hợp tác đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp nông thôn… đồng thời đề xuất những kiến nghị và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới Việt Nam- Lào trong giai đoạn 2018-2020.
Dịp này, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã ký kết biên bản hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước giai đoạn 2018-2020, làm cơ sở để hai bên xây dựng và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()