Việt Nam lần đầu tổ chức kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố năm 2015
Theo ban tổ chức, kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố là một kỳ thi học sinh giỏi môn Toán có quy mô quốc tế được tổ chức lần đầu tiên tại Nga vào năm 1980. Đến nay, mỗi năm có hàng chục nghìn học sinh từ hơn 100 thành phố ở gần 30 quốc gia trên thế giới tham dự.
Điều đặc biệt của kỳ thi là học sinh được làm bài tại thành phố của mình, qua đó giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh. Bài làm của các thí sinh sẽ được Ban Tổ chức tại địa phương chấm và gửi kết quả về Ban Tổ chức T.Ư tại Nga. Mỗi năm có hơn 1.000 thí sinh đạt tiêu chuẩn được cấp bằng chứng nhận từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Cũng theo ban tổ chức, kỳ thi Toán quốc tế giữa các thành phố là một sân chơi dành cho học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh theo chuẩn quốc tế. Mục đích chính của kỳ thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Toán, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các học sinh có năng khiếu. Bên cạnh đó, kỳ thi còn cung cấp cho giáo viên và những người tổ chức địa phương một nguồn tài liệu chất lượng cao.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS, TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục – Trưởng Ban tổ chức cho biết: Kỳ thi được tổ chức tại Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) với hai ngày thi (11-10 và 25-10). Lễ trao giải, bế mạc kỳ thi diễn ra vào ngày 15-11 tại Hà Nội.
Lý giải kỳ thi có hai ngày thi cách xa nhau (ngày 11-10 và 25-10), PGS, TS Lê Kim Long giải thích là để có thời gian dịch đề, chấm điểm. Ngày thi tiếp theo về cơ bản cách thức tổ chức cũng giống như ngày thi đầu, tuy nhiên đề thi có thay đổi. Sau khi chấm xong, Ban Tổ chức tại Việt Nam sẽ gửi kết quả sang Nga để họ đánh giá, công nhận.
Trước đó, đề thi được chuyển từ Nga về Việt Nam bằng tiếng Anh. Sau đó, các cán bộ ở Trường đại học Giáo dục dịch đề thi sang tiếng Việt. Trong một đề thi, có cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Đánh giá về ngày thi đầu, PGS, TS Lê Kim Long khẳng định, ngày thi đầu diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Các em học sinh cấp THCS gồm các khối: 6, 7, 8 thi chung một đề thi; học sinh cấp THPT các khối: 10, 11, 12 thi chung một đề. Thời gian học sinh làm bài thi là 240 phút theo hình thức tự luận.
Khu vực TP Hà Nội có 11 trường THCS và năm trường THPT tham gia kỳ thi. Ngoài ra, kỳ thi còn có sự tham dự của một số trường THPT chuyên ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng.
Để kỳ thi có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, PGS, TS Lê Kim Long mong muốn các tỉnh, thành phố có thể phối hợp Trường đại học Giáo dục trong tổ chức kỳ thi này. Trường đại học Giáo dục sẽ là đơn vị đầu mối từ nhận đề, dịch đề và chia sẻ một số kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi.
Ý kiến ()