Việt Nam lần đầu tham gia nhóm nghiên cứu bệnh lao toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên thành lập nhóm công tác về nghiên cứu bệnh lao toàn cầu, gồm 19 chuyên gia có kinh nghiệm hàng đầu trong nghiên cứu bệnh lao.
Việt Nam có một thành viên là phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.
Phiên họp đầu tiên của nhóm công tác kể trên đã diễn ra vào ngày 8-9/12 vừa qua, tại trụ sở của WHO, Geneva, Thụy Sĩ.
Theo WHO, Việt Nam là một trong 3 nước có kế hoạch nghiên cứu được đánh giá cao.
Lưu ý rằng “nghiên cứu và đổi mới” là một trong 3 trụ cột của Chiến lược kết thúc bệnh lao toàn cầu đến năm 2035 được Đại hội đồng Y tế Thế giới đã phê duyệt năm 2014.
Điểm rất đáng chú ý là Việt Nam đã có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu VICTORY với một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi rộng khắp vừa triển khai các nghiên cứu vừa đào tạo nâng cao năng lực có sự hợp tác trong và ngoài nước.
Việt Nam cũng chia sẻ về những định hướng nghiên cứu lớn rất quan trọng được huy động nhiều nguồn như nghiên cứu dịch tễ bệnh lao lần thứ hai sau 10 năm tiến hành vào năm 2017, với ngân sách trên 2 triệu USD được tài trợ của Quỹ toàn cầu 1,2 triệu USD và CDC, USAID, Sứ quán Pháp tại Việt Nam cùng nguồn ngân sách Nhà nước.
Tại phiên họp giới thiệu đầu tiên, Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung đã thuyết trình về vai trò quan trọng của nghiên cứu trong Chương trình chống lao và đã đưa ra những bài học của Việt Nam.
Nghiên cứu đã cung cấp những bằng chứng cho thấy những chính sách và kế hoạch hành động chống lao ở Việt Nam đã phát huy hiệu quả.
Công tác chống lao của Việt Nam đã có những thành công trong thời gian qua được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận.
Hàng năm cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% các trường hợp mắc mới.
Dịch tễ bệnh lao giảm trung bình hàng năm là 4,6 % từ năm 2000 đến nay. Hầu hết các kỹ thuật mới đều đã được áp dụng có hiệu quả cao và đến nay đã có gần 6.000 người mắc lao kháng thuốc được thu nhận điều trị.
Ở Việt Nam, hoạt động nghiên cứu đã cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng để hoạch định chính sách lớn như Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trước đó, ngày 15/6 vừa qua, phó giáo sư-tiến sỹ Nhung cũng là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của WHO về phòng chống bệnh lao (STAG TB) – cơ chế điều hành và hoạch định chiến lược phòng chống lao cao nhất của WHO./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()