Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật y học ngang tầm thế giới
75 năm sau ngày thành lập nước, ngành y tế Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà còn tự hào góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu kỹ thuật y học.
Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra ngày 21/2/2017, do các bác sỹ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới.
75 năm sau ngày thành lập nước, từ một nền y tế còn thiếu thốn về nhiều mặt, đến nay ngành Y tế Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà còn tự hào góp mặt trên bản đồ y tế thế giới với nhiều thành tựu và tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ; làm chủ nhiều kỹ thuật y học hiện đại ngang tầm thế giới.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dânđược tăng cường
Năm 1945, Bộ Y tế của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Thành lập chưa được bao lâu, ngành Y tế cách mạng đã cùng cả nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp.
Trong 9 năm đó (1945-1954), dù khó khăn, thiếu thốn, ngành Y tế vẫn đảm bảo phục vụ tốt chăm sóc thương bệnh binh và phòng, chống dịch bệnh. Thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong thời kỳ này là sản xuất được các loại vắcxin phòng bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn để tiêm chủng cho nhân dân; bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ.
Trong những năm sau ngày giải phóng miền Bắc, ngành Y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở khu vực nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn miền Bắc thay đổi rõ rệt: các công trình vệ sinh được xây dựng, sức khoẻ của nhân dân không ngừng được nâng lên.
Giai đoạn 1956-1975, lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân có sự phát triển nhanh chóng. Các phong trào quần chúng rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh, làm sạch môi trường, chăm sóc bản thân rất sôi nổi.
Hệ thống y tế có nhiều thành tựu trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể lực của nhân dân, chăm sóc người già, phụ nữ, trẻ em trong thời kỳ chiến tranh gian khổ và ác liệt.
Sau ngày đất nước thống nhất, ở miền Nam nhiều bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây thành dịch đã được xử lý. Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao, từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên.
Các chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai tích cực. Mức hưởng thụ dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, đến năm 2020 ước đạt 73,7 tuổi. Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên.
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% dân số năm 2010 lên 90,7% vào năm 2020.
Mạng lưới y tế được mở rộng, nhất là y tế cơ sở
Ách đô hộ của thực dân Pháp đã để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe cho người dân Việt Nam. Cơ sở khám chữa bệnh cho nhân dân hầu như không có. Sau khi giành được chính quyền, Nhà nước ta đã xây dựng thêm nhiều cơ sở y tế.
Đến năm 1975, ở miền Bắc đã có 1.180 cơ sở khám, chữa bệnh, với 56,6 nghìn giường bệnh. Bình quân 10.000 dân có 12,1 bác sỹ.
Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) mỗi năm sản xuất 40 triệu liều vắcxin bại liệt uống (OPV) và 7,5 triệu liều vắcxin sởi (MVVAC) đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng 100% nhu cầu cho chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước với giá thành giảm 60% so với sản phẩm nhập khẩu.
Sau ngày đất nước thống nhất, hệ thống y tế xã, phường hầu như không có. Do đó, việc xây dựng hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đủ sức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đặt ra rất cấp thiết. Năm 1985, cả nước có 11.059 cơ sở khám chữa bệnh với 202,2 nghìn giường bệnh. Bình quân 10.000 dân có 13,6 y, bác sỹ.
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm,” công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân. Các dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài giờ tại nhà, tại các cơ sở chữa bệnh được mở rộng.
Mạng lưới khám, chữa bệnh trên toàn quốc được sắp xếp lại, hệ thống tổ chức y tế cơ sở (xã, phường, thị trấn) được củng cố, đủ sức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. Năm 2003, cả nước có 13.162 cơ sở khám với 192,9 nghìn giường bệnh. Số cán bộ y tế là 184,6 nghìn người.
Đến nay, mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp toàn quốc. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.
Cả nước hiện có 1.400 bệnh viện với 180.000 giường bệnh, hằng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.000 lượt người, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật và khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp.
Ngoài các bệnh viện, còn có 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010-2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sỹ làm việc (bao gồm cả bác sỹ làm việc lâu dài và bác sỹ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sỹ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…
Nhiều thành tựu y học nổi bật
– Sản xuất được nhiều vắcxin phòng bệnh
Thành tựu y tế quan trọng thời kỳ sau năm 1945 là sản xuất được các loại vắcxin phòng bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn để tiêm chủng cho nhân dân; bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ.
Năm 1950, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được kháng sinh peniciline. Năm 1961, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắcxin sabin phòng bệnh bại liệt và vắcxin BCG phòng bệnh đậu mùa.
Hiện nay, Việt Nam được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vắcxin, tự nghiên cứu sản xuất vắcxin, như vắcxin cúm mùa 3 type được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa; ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch, như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.
– Điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ
Đến nay, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu… Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%.
Tỷ suất chết mẹ giảm xuống còn 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2015; tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi giảm khá nhanh, xuống còn 14,73 phần nghìn; tỷ suất chết trẻ em dưới năm tuổi giảm xuống 22,12 phần nghìn, đưa Việt Nam thành một trong năm nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới.
Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020, trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi.
– Kiểm soát và ngăn ngừa nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Việt Nam hiện đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động.
Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, cụ thể như thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005, từ năm 2002 không có bệnh dịch hạch; một số bệnh dịch đã giúp giảm số người nhiễm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi… Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, như: sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả đã được khống chế; không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.
Ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona mới (nCoV) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắcxin phòng, chống loại virus này trong tương lai.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập, như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV…
Việt Nam cũng triển khai được năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện bệnh, như MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9 hay COVID-19…
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm; giám sát tại vùng bất thường liên quan đến yếu tố dịch tễ đều được báo cáo, sàng lọc.
– Làm chủ nhiều kỹ thuật y học hiện đại
Việt Nam cũng tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học đạt tầm thế giới, thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương-khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu.
Cho đến nay, hệ thống y tế Việt Nam đã có 15 cơ sở ghép được tim, thận, gan, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu. Tháng 10/2019, hai ca ghép phổi thành công đã đánh dấu kỳ tích mới trong ngành ghép tạng Việt Nam. Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng – một kỹ thuật khó của y học thế giới.
Trong lĩnh vực sản khoa, kỹ thuật can thiệp bào thai là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong y học bào thai hiện nay. Năm 2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công lập đầu tiên đã triển khai thành công kỹ thuật này, can thiệp thành công cho gần 20 sản phụ có thai đôi và mắc bệnh lý truyền máu song thai.
Em bé đầu tiên được can thiệp bào thai do mắc hội chứng truyền máu song thai đã được sinh khỏe mạnh vào ngày 14/12/2019.
Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ y khoa thế giới, ngành Y tế Việt Nam đã chuẩn bị và triển khai một số hoạt động ứng dụng và phát triển y tế thông minh, góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Các nhà quản lý cũng kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành nền “công nghiệp y tế” theo đề án “thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”./.
Ý kiến ()