Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh về thanh toán di động
Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.
“Ngày không tiền mặt – 16/6” là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ. Đây là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch, mua sắm giữa năm.
Hướng tới “Ngày không tiền mặt” sẽ diễn ra chuỗi sự kiện: Hội thảo về thanh toán không dùng tiền mặt; Ngày hội mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt; Diễn đàn bạn đọc viết về Ngày không tiền mặt.
Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Trong tháng 6/2019, đặc biệt vào ngày 16/6, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ… sẽ có những chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt. Hiện tại, Ban tổ chức đã chính thức nhận được sự xác nhận tham gia hỗ trợ cho người tiêu dùng từ các đơn vị Napas, Vietcombank, Vinpro, Adayroi, Momo, Shopee/Airpay, Lazada, Tiki, Vpbank…
Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018).
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được tăng cường, mở rộng; đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 máy POS, phần lớn được lắp đặt tại các điểm bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích…
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), thanh toán đi động đang là xu thế chủ đạo. Làm sao bước qua được “ngưỡng sử dụng” bởi khi dùng rồi, người dùng sẽ thấy được các tiện ích mang lại và từ đó sẽ không quay lại thanh toán bằng tiền mặt nữa. Đây là bước quan trọng nhất để đến với thanh toán điện tử.
Cũng theo ông Dũng, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Napas sớm đưa vào hệ thống bù trừ điện tử. Dịch vụ này hoạt động 24h trong ngày, qua đó mang lại nhiều tiện ích cho người dùng.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng trong nước đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động (mPOS)…
Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2017.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()