Việt Nam là thị trường hấp dẫn cho đầu tư phát triển năng lượng mặt trời phân tán
Trước nhu cầu lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà tăng cao trong lĩnh vực sản xuất FDI tại Việt Nam, dẫn đầu là lĩnh vực điện tử/bán dẫn và dệt may, Việt Nam được xem là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời phân tán.
Điện mặt trời được đánh giá có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của ngành sản xuất FDI tại Việt Nam. Trong ảnh, một dự án điện mặt trời do Công ty CMES triển khai lắp đặt tại Công ty TNHH CJ Foods Việt Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Phát triển năng lượng tái tạo để khắc phục tình trạng thiếu điện
Ngành điện Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể trong vài thập kỷ qua. Công suất hệ thống điện và nhu cầu điện thương phẩm tăng đều, với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm là 10,5% trong giai đoạn 2011-2020.
Sản lượng điện tăng từ 93 tỷ kW giờ năm 2011 lên 215 tỷ kW giờ năm 2020, với tốc độ tăng trưởng điện năng năm 2021 ở mức 3,4%. Con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 10% hằng năm trong giai đoạn 2021-2030, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên sản xuất của Việt Nam.
Sản lượng điện tăng từ 93 tỷ kW giờ năm 2011 lên 215 tỷ kW giờ năm 2020, với tốc độ tăng trưởng điện năng được dự báo sẽ tăng lên mức 10% hằng năm trong giai đoạn 2021-2030.
Trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao cho cả sản xuất và sinh hoạt, trong bối cảnh nhiều khó khăn từ nguồn cung điện, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo từ nhiều năm nay, mặc dù năng lực sản xuất mới từ các nguồn năng lượng tái tạo quy mô tiện ích trong vài năm qua đã tăng lên tới 25% công suất, nhưng phần lớn tập trung ở miền trung và miền nam.
Một thực tế đáng chú ý là sản xuất từ thủy điện đang suy giảm do Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh El Nino đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn trong mùa khô sắp tới.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, hiện nguồn thủy điện đã khai thác tới 80% công suất và gần như không còn dư địa phát triển.
Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), do cơ cấu nguồn điện hiện nay phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than, chiếm khoảng 45% tổng sản lượng điện.
Trong bối cảnh đó, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt vào ngày 15/5 vừa qua sau nhiều lần trì hoãn, tuy nhiên vẫn cần thêm các giải pháp nhằm thúc đẩy cả sản xuất và năng lực truyền tải trên toàn quốc, đặc biệt là ở miền bắc.
Quy hoạch điện VIII đặt kỳ vọng vào năng lượng tái tạo như một giải pháp khắc phục nhanh tình trạng thiếu điện hiện nay, cũng như là nguồn cung cấp điện cốt lõi cho tương lai.
Quy hoạch đặt trọng tâm hơn vào phát triển năng lượng tái tạo so với kế hoạch trước đó. Mục tiêu là đạt tỷ trọng năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) vào khoảng 31-39% trong cơ cấu năng lượng tổng thể vào năm 2030, tương đương với công suất 5.000-10.000MW.
Ngoài ra, thông qua Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP), Việt Nam có khả năng nâng tỷ lệ trên lên 47%, hướng tới năm 2050, năng lượng tái tạo dự kiến sẽ chiếm 67,5-71,5% toàn bộ hệ thống năng lượng.
Cùng với việc tập trung vào năng lượng tái tạo, Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu cho việc áp dụng điện mặt trời trên mái nhà. Cụ thể, đến năm 2050, mục tiêu là 80% nhà máy và 20% nhà ở và tòa nhà văn phòng sử dụng năng lượng mặt trời áp mái để tiêu thụ tại chỗ, thay vì cung cấp điện dư thừa trở lại lưới điện.
Cơ hội nào cho năng lượng mặt trời phân tán?
Theo các chuyên gia và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam đã và đang là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời phân tán.
Ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CMES) bày tỏ lạc quan về triển vọng thị trường, đồng thời cho biết động lực thị trường chính là nhu cầu lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất FDI tại Việt Nam, dẫn đầu là ngành điện tử/bán dẫn và dệt may.
Động lực thị trường chính là nhu cầu lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất FDI tại Việt Nam, dẫn đầu là ngành điện tử/bán dẫn và dệt may.
Ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành Copper Mountain Energy Solar
Là một phần trong nỗ lực toàn cầu trong cam kết phát thải ròng bằng 0, các thương hiệu và nhà sản xuất quốc tế tại Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo. Đây cũng là cơ hội cho thị trường năng lượng mặt trời phân tán phát triển ở Việt Nam.
Theo số liệu của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), tính đến tháng 6/2023, tổng công suất sản xuất của các hệ thống năng lượng mặt trời/năng lượng trên mái nhà đã đạt khoảng 8GWp, so với 1GW giờ vào tháng 12/2020.
Báo cáo của Savills năm 2022 cũng nêu số liệu, tổng diện tích mái nhà công nghiệp và thương mại là khoảng 80 nghìn ha và tốc độ tăng trưởng ước tính là 10%, trong khi tổng diện tích mái nhà được sử dụng để sản xuất năng lượng mặt trời chỉ chiếm 8%.
Do đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam được đánh giá là một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất về công suất lắp đặt mới trong 10 năm tới.
Một trong những thí dụ có thể kể đến Foxconn – nhà sản xuất hàng đầu cho Apple và các thương hiệu toàn cầu khác gần đây đã vận hành thành công công suất năng lượng mặt trời áp mái 19MWp tại tỉnh Bắc Giang vào tháng 6/2023, đồng thời có kế hoạch vận hành thử đợt tiếp theo của hệ thống năng lượng mặt trời áp mái vào tháng 7 năm nay với tổng công suất 32 MWp, chiếm 20% diện tích mái nhà xưởng hiện tại của Foxconn tại Việt Nam.
Công ty này đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhờ các nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội thuận lợi và đưa năng lượng mặt trời mái nhà trở thành một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Foxconn tại các nhà máy hiện tại và tương lai ở Việt Nam.
Dự án đầu tiên của Foxconn được cấp phép và triển khai tốt chỉ trong vòng 3 tháng, bao gồm các công đoạn từ mua sắm, lắp đặt đến giám sát bởi các chuyên gia tư vấn kỹ thuật có tiếng trên toàn cầu.
Các “đại gia” điện tử và nhà sản xuất toàn cầu khác như Samsung, LG, Gor-Tex… cũng đang đi theo con đường của Foxconn và dự định sẽ công bố các kế hoạch chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong năm 2023.
Ngoài ra, các nhà sản xuất khác cho Adidas, Nike và các thương hiệu dệt may, thời trang và giày dép khác gần đây cũng đã tích cực chuyển sang năng lượng mặt trời phân tán.
Tuy nhiên, do hệ thống năng lượng mặt trời áp mái chỉ có thể cung cấp khoảng 20%-30% nhu cầu tiêu thụ năng lượng thực tế, các doanh nghiệp FDI đặt kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng đã tham gia đối thoại với chính phủ để thúc đẩy Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần tập trung xây dựng chương trình xử lý cấp bách hơn để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng thiếu điện và cắt điện, đồng thời bảo đảm các giải pháp dài hạn trước khả năng xảy ra thiếu điện theo chu kỳ để ổn định nguồn cung cấp điện, nhằm duy trì hiệu quả kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế tổng thể.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()