Việt Nam là quốc gia trọng điểm đối với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản
Theo ông Matsuda Noriyasu, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Việt Nam là quốc gia trọng điểm đối với tổ chức này. Tại Việt Nam, JBIC đã hỗ trợ tổng cộng 304 dự án, trị giá hơn 840 tỷ yên; đồng thời, tăng cường đối thoại chính sách để cải thiện thể chế năng lượng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đầu tư nước ngoài.
Phó Chủ tịch CMSC và Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của JBIC cùng một số thành viên đoàn công tác
Ngày 2/6, đoàn công tác của JBIC do ông Matsuda Noriyasu dẫn đầu đã được Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Ngọc Cảnh và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp đón và có các cuộc làm việc.
Tiếp đại diện JBIC, ông Nguyễn Ngọc Cảnh bày tỏ ấn tượng trước những nỗ lực, đóng góp của JBIC cho sự phát triển của Việt Nam và đánh giá cao chương trình hợp tác và hỗ trợ của JBIC trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng trong thời gian qua. 304 dự án mà JBIC hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng và tăng cường chuỗi cung ứng đều hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội và công tác chuyển dịch năng lượng xanh.
Về phía JBIC, ông Matsuda Noriyasu cho biết, tại Việt Nam, JBIC đã hỗ trợ rất nhiều các dự án điện và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng PPP bằng cách sử dụng các nguồn vốn tư nhân; hỗ trợ củng cố chuỗi cung ứng và giải quyết các vấn đề xã hội.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021 vừa qua, CMSC đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với JBIC
Để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, JBIC đã có các cuộc đối thoại chính sách liên tục với các cơ quan trong nước. Cụ thể, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướngPhạm Minh Chính vào tháng 11/2021 vừa qua, CMSC đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với JBIC nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác để triển khai hoạt động hỗ trợ tài chính của JBIC cho các dự án đầu tư do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đề xuất trong các lĩnh vực điện và dầu khí tại Việt Nam.
Đại diện JBIC bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, tổ chức này sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ CMSC trong công tác triển khai MOU, hướng tới mục tiêu đem lại lợi ích quốc gia cho Việt Nam và Nhật Bản.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp ông Matsuda Noriyasu
Cùng ngày, tại trụ sở Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tiếp ông Matsuda Noriyasu. Cảm ơn JBIC đã hỗ trợ Bộ trong triển khai các dự án về chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính, Thứ trưởng nhấn mạnh, các mục tiêu của JBIC về việc tiếp cận xu hướng toàn cầu, đầu tư cơ sở hạ tầng đều phù hợp với mục tiêu và định hướng của Việt Nam.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay và được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao của hai Thủ tướng Chính phủ, qua đó hai bên thống nhất mong muốn Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng hy vọng JBIC hỗ trợ Việt Nam với các dự án cụ thể nhằm hiện thực hóa tính phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Bộ KH&ĐT tư luôn chú trọng tới việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và sẽ phối hợp với Ủy ban kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (KEIDANREN) triển khai sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn 8, thúc đẩy hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam nhằm mang tới lợi ích chung cho cả hai quốc gia.
Trân trọng cảm ơn Bộ KH&ĐT đã hỗ trợ JBIC hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua, ông Matsuda Noriyasu cam kết JBIC sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam để đẩy nhanh việc triển khai các dự án sắp tới.
JBIC là định chế tài chính chính sách, thuộc Chính phủ Nhật Bản, với nhiệm vụ là đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của Nhật Bản, kinh tế quốc tế và xã hội, quy mô hoạt động tương đương 144 tỷ USD.
Kế hoạch hoạt động trung hạn của JBIC tập trung vào các vấn đề toàn cầu liên quan tới lĩnh vực năng lượng là giảm phát thải carbon và chuyển dịch năng lượng như năng lượng tái tạo, hiểu quả sự dụng năng lượng, năng lượng thông minh, vận tải xanh, sản xuất và sử dụng hydro và các hình thức khác. Bên cạnh đó, JBIC cũng hỗ trợ các ngành công nghiệp và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao liên quan tới nội dung cơ sở hạ tầng bền vững, hiệu quả về chi phí và có trách nhiệm xã hội.
Ý kiến ()