Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn
Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia (cùng với Singapore, Malaysia) vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. (Nguồn: TTXVN)
Công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp chiến lược quan trọng trên toàn cầu và Việt Nam đang tham gia một cách mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Cơ hội phát triển
Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết 10 tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 25,7 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thăng hạng trong thu hút FDI. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia (cùng với Singapore, Malaysia) vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Bất chấp suy thoái thương mại, xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo HSBC, một nửa sản lượng điện thoại thông minh của Samsung trên toàn cầu đến từ Việt Nam. Điều này cũng đã khuyến khích các gã khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Apple mở rộng hoạt động.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, cho hay đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Bắc Mỹ đến Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam.
“Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam thời gian gần đây.
Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip.
Theo các chuyên gia kinh tế, với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.
Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC), cho biết Mỹ rất quan tâm đến các lĩnh vực ngành nghề mà Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu như sản xuất ôtô, bán dẫn…và hiện tại có rất nhiều công ty Mỹ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch chuỗi cung ứng vào Việt Nam.
Những chính sách gần đây của Mỹ như Friend Shoring (dịch chuyển sản xuất của Mỹ sang các đối tác thân thiện) đã coi Việt Nam đóng vai trò quan trong trong chính sách này của họ. Hiện tại, nguồn lực cho chính sách này đang được Mỹ bổ sung và một khoản hỗ trợ không nhỏ từ Đạo luật Chip sẽ hỗ trợ đối tác Việt Nam trong ngành bán dẫn.
Theo bà Linda Tan, Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn Đông Nam Á (Semi SEA), mô hình trung tâm đào tạo và ươm tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam cũng như hình thành chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam được đánh giá cao.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…
Hiện, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu… Đặc biệt, vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm Việt Nam và nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Qua đó, xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Hướng đến ngành giá trị kinh tế cao
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong báo cáo về các mục tiêu, chỉ tiêu của kinh tế Việt Nam năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến việc phát triển một số ngành, lĩnh vực then chốt, có thế mạnh và đặc biệt có lợi thế, giá trị cao mà Việt Nam đang hướng đến; trong đó, có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn.
(Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội và có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, chia sẻ hầu hết mọi khía cạnh của xã hội hiện đại đều cần đến chất bán dẫn. “Nếu thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam sẽ chen chân vào được chuỗi cung ứng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị y tế hay thiết bị quân sự,” ông Hùng nhận định.
Ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 10% năm 2022 và lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức doanh thu 600 tỷ USD, sớm trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ đô vào năm 2030.
Tuy nhiên, ông Vũ Tú Thành cho rằng Việt Nam còn thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư vi mạch. Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư, để thu hút được đầu tư thì chúng ta cần phải đào tạo thêm rất nhiều, ít nhất là gấp 5 lần là 25.000 kỹ sư trong vài năm tới. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng.
Còn theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin (FPT), kiêm chủ tịch Công ty cổ phần Bán dẫn FPT, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cách tiếp cận phù hợp và thực tế nhất với Việt Nam; đó là phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam cần đào tạo thật nhiều nhân lực đáp ứng nhu cầu, bởi để một thị trường có hàng trăm triệu người, có hàng triệu kỹ sư bán dẫn thì không phải nước nào cũng có. Những nước khác quy mô rất nhỏ, họ không thể tạo ra tăng trưởng lớn.
“Cùng với đó là chính sách hợp lý. Đặc biệt Việt Nam về mặt logistics đang có vị thế rất tốt. Chứ theo kiểu cứ thiết kế chỗ này, sản xuất lại ở một chỗ khác, đóng gói kiểm thử lại một chỗ khác nữa… cứ chạy qua chạy lại sẽ rất tốn kém. Với vị thế của Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có thể rút gọn được chu trình đó,” ông Trần Đăng Hòa cho hay.
Tuy nhiên, để đầu tư sản xuất chip, nhà máy phải tiếp cận được gần sân bay, đường sá phải thông suốt, nguồn điện phải ổn định, đặc biệt là cần nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Đây là những thách thức không nhỏ đối với thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao.
Để giải bài toán, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.
Cùng với đó, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại Hòa Lạc (Hà Nội), Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với nhiều cơ chế ưu đãi. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo đó, các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()