Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây thuộc Trung Quốc
Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang nhận định do gần gũi về địa lý và văn hóa, tình hữu nghị truyền thống giữa Quảng Tây và Việt Nam ngày càng bền chặt, trao đổi hợp tác giữa hai bên vô cùng chặt chẽ.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây (Trung Quốc) trong suốt 25 năm qua và việc Việt Nam cùng Trung Quốc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược đã trao cho Quảng Tây sứ mệnh quan trọng cũng như mang lại những cơ hội lịch sử mới cho sự mở cửa và phát triển của tỉnh này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lam Thiên Lập đã đưa ra đánh giá trên trong cuộc họp báo ngày 12/6 tổ chức tại thủ đô.
Ông Lam Thiên Lập nhận định do gần gũi về địa lý và văn hóa, tình hữu nghị truyền thống giữa Quảng Tây và Việt Nam ngày càng bền chặt, trao đổi hợp tác giữa hai bên vô cùng chặt chẽ.
Theo số liệu do ông Lam Thiên Lập công bố, trong năm 2023, xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt gần 254 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ USD), tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số này là 120,82 tỷ NDT, tiếp tục tăng mạnh 36,8%.
Chủ tịch Lam Thiên Lập cho biết thời gian tới, Quảng Tây sẽ được phát triển thành vùng đất tiện lợi cho các hoạt động kinh doanh thị trường tuần hoàn kép trong nước và quốc tế.
Với lợi thế là tỉnh duy nhất của Trung Quốc kết nối với ASEAN bằng cả đường bộ và đường biển, cũng là địa phương đi đầu và cửa ngõ mở cửa hợp tác với ASEAN, Quảng Tây sẽ đẩy nhanh kết nối với Việt Nam cả về đường sắt và đường bộ, đi sâu hợp tác về công nghiệp xuyên biên giới, cũng như tăng cường trao đổi trên nhiều lĩnh vực như văn hóa và du lịch.
Cụ thể, ông cho biết, tuyến đường sắt cao tốc Nam Ninh-Sùng Tả (gần biên giới Việt-Trung) đã hoàn thành và thông xe vào năm 2022, đoạn từ Sùng Tả đến Bằng Tường, giáp với Việt Nam đang được đẩy nhanh xây dựng; tuyến đường sắt từ Phòng Thành Cảng đến Đông Hưng đã thông xe vào năm 2023.
Hiện Quảng Tây cũng đã quy hoạch 13 tuyến đường cao tốc đến Việt Nam, trong đó có 7 tuyến đã hoàn thành và 6 tuyến đang xây dựng.
Ông cho rằng việc thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới hai nước, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng-Hà Nội, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng vào thời điểm phù hợp như trong Tuyên bố chung giữa hai bên sẽ nâng cao hơn nữa mức độ “kết nối cứng” về cơ sở hạ tầng giữa Quảng Tây và Việt Nam.
Cũng theo ông Lam Thiên Lập, trong năm 2023, xuất nhập khẩu hàng trung gian giữa Quảng Tây với Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, đứng hàng đầu trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng của Trung Quốc.
Trong 5 tháng đầu năm nay, con số này tiếp tục tăng 46%. Do vậy, Quảng Tây sẽ thu hút và hỗ trợ thêm nhiều công ty vào các khu công nghiệp ven biên giới và cửa khẩu như Bằng Tường và Đông Hưng, dựa vào các kênh hậu cần và cửa khẩu thông minh giữa hai nước để tạo nên chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp xuyên biên giới với lợi thế bổ sung và cùng có lợi.
Cùng với đó, Quảng Tây đang đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại khu vực biên giới Việt-Trung.
Sau khi hoàn thành, hàng hóa sẽ được thông quan thông minh, không người vận hành, không gián đoạn 24/24. Hàng hóa từ Nam Ninh đến Hà Nội sẽ được giao trong vòng 24 giờ và đến 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong vòng 12 giờ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Tây còn cho biết, một kênh khám chữa bệnh ở khu vực biên giới đã được thiết lập giữa đội ngũ y tế Quảng Tây và Việt Nam.
Ông Lam Thiên Lập khẳng định, trong thời gian tới, Quảng Tây sẽ tiếp tục làm phong phú thêm nền tảng và cách thức trao đổi hợp tác với Việt Nam, đóng góp vào việc củng cố tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc./.
Ý kiến ()