Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị
Đại sứ Dương Chí Dũng đã dành thời gian đánh giá kết quả đạt được, những nội dung thảo luận chính nhằm xác định nhân tố phù hợp để xây dựng chương trình làm việc trong tương lai.
Trong hai ngày 14 và 15/8, tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Dương Chí Dũng đã chủ trì các phiên toàn thể cuối cùng dưới nhiệm kỳ Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị của Việt Nam (từ ngày 24-30/6 và từ ngày 29/7-18/8).
Tại phiên toàn thể ngày 14/8, bà Tatiana Valovaya, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, lần đầu tiên tham dự với tư cách Tổng thư ký Hội nghị Giải trừ quân bị, đồng thời là đại diện cá nhân của Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị.
Phát biểu tại phiên họp, bà Valovaya cảm ơn sự tin tưởng của Tổng thư ký Liên hợp quốc, sự đồng thuận của Hội nghị Giải trừ quân bị và vai trò điều phối của Đại sứ Dương Chí Dũng trên cương vị Chủ tịch Hội nghị trong quá trình bổ nhiệm bà làm Tổng thư ký Hội nghị.
Bà Valovaya tự hào là nữ Tổng thư ký đầu tiên của Hội nghị và tin tưởng sẽ mang lại cách tiếp cận mới trong lĩnh vực giải trừ quân bị. Bà Valovaya nhấn mạnh, Hội nghị là cơ chế đa phương quan trọng, là công cụ chính của cộng đồng quốc tế đàm phán các vấn đề giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí trong 40 năm qua, đồng thời cam kết ủng hộ tối đa chương trình nghị sự của Hội nghị trong thời gian tới.
Tại phần thảo luận về đề mục 3 của Hội nghị Giải trừ quân bị về “Ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian”, các diễn giả chính gồm Trưởng Phái đoàn của Nga Gennady Gatilov, Trưởng Phái đoàn Chile Eduardo Eguiguren, chuyên gia của Viện nghiên cứu giải trừ quân bị LHQ Daniel Porras đã tập trung thảo luận cùng đại diện các nước thành viên.
Nội dung thảo luận chủ yếu đề cập đến sự cần thiết của việc ngăn chặn va chạm, xung đột và quân sự hóa ngoài không gian, trong bối cảnh trình độ khoa học-công nghệ phát triển nhanh chóng khiến cho ngày càng có nhiều chủ thể nhà nước và phi nhà nước, đủ khả năng tiếp cận vào không gian vũ trụ với cả mục đích dân sự lẫn quân sự.
Một số nước thành viên cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế nghiêm túc cam kết ngăn chặn chạy đua vũ trang ngoài không gian, có biện pháp sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vì lợi ích của loài người, ủng hộ mục tiêu tiến tới một điều ước quốc tế nhằm ngăn chặn quân sự hóa không gian vũ trụ.
Trong khi đó, một số nước nhưAnh, Pháp, Australia, New Zealand… nhấn mạnh việc tập trung vào giải quyết nguy cơ hiện hữu là khả năng các vật thể ngoài không gian va chạm, gây tắc nghẽn. Theo đó, cần có các biện pháp tăng cường lòng tin, xây dựng bộ quy tắc ứng xử chung đối với các vấn đề liên quan như thông báo sớm về việc phóng vệ tinh, chia sẻ số liệu về số lượng và quỹ đạo vật thể ngoài không gian, tăng cường thông tin liên lạc.
Đáng chú ý là Nga, Mỹ, Trung Quốc tiếp tục công kích lẫn nhau về vấn đề triển khai lắp đặt vũ khí ngoài không gian. Nga và Trung Quốc đã chủ động đề xuất, dự thảo một điều ước quốc tế về ngăn chặn vũ trang ngoài không gian.
Trong khi đó, Mỹ cho rằng đề xuất của Nga, Trung Quốc không phù hợp, kém hiệu quả, không tăng cường an ninh không gian vì không đảm bảo mục tiêu ngăn chặn các hệ thống vũ khí tấn công vệ tinh không gian từ mặt đất mà chính Moskva và Bắc Kinh đang phát triển.
Cuối phiên toàn thể ngày 15/8, trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, Đại sứ Dương Chí Dũng đã dành thời gian đánh giá kết quả đạt được, những nội dung thảo luận chính nhằm xác định các nhân tố phù hợp để xây dựng chương trình làm việc của Hội nghị trong tương lai.
Với nỗ lực của nước Chủ tịch và sự hợp tác, thảo luận mang tính xây dựng của các nước thành viên, lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ Chủ tịch gần đây, các nước thành viên đã quay trở lại thảo luận về những vấn đề thực chất, then chốt trong chương trình nghị sự của Hội nghị và các nội dung này được đánh giá là những thành tố quan trọng cho công việc của Hội nghị Giải trừ quân bị các năm tiếp theo.
Tuyên bố Chủ tịch và đề xuất của Việt Nam về các thành tố của Chương trình làm việc sẽ được lưu hành như các văn bản chính thức của Hội nghị Giải trừ quân bị.
Các nước thành viên đánh giá cao, cho rằng Việt Nam đã thành công khi đem lại không khí tích cực, cân bằng, mang tính xây dựng cho các hoạt động tham vấn song phương và đa phương, khéo léo điều hành các phiên toàn thể của Hội nghị và tạo thuận lợi để các nước trao đổi thực chất, cởi mở về quan điểm đối với nhiều vấn đề nhạy cảm.
Việt Nam đã đề xuất nguyên tắc về tính tiếp nối và chủ động thúc đẩy tham vấn với các nước Chủ tịch trong năm 2020 nhằm bảo đảm duy trì chương trình làm việc và các nội dung thảo luận của Hội nghị giữa các nhiệm kỳ Chủ tịch trong các năm. Đề xuất này được các nước rất quan tâm, thảo luận sâu rộng.
Bên cạnh đó, việc nhiều diễn giả cấp cao tham dự Hội nghị như Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva kiêm Tổng thư ký Hội nghị Giải trừ quân bị, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ trưởng Ngoại giao Áo, Thư ký điều hành Tổ chức Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), Đại sứ các nước thành viên Hội nghị và chuyên gia về giải trừ quân bị cũng tạo dấu ấn riêng cho nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam.
Sáng kiến của Việt Nam trong việc mời Tổng Thư ký ASEAN lần đầu tiên tham dự và phát biểu tại Hội nghị Giải trừ quân bị được các nước đánh giá cao, tạo kênh đối thoại mới giữa Hội nghị Giải trừ quân bị và các tổ chức khu vực, góp phần duy trì, bảo đảm hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều bất ổn, khó lường, cạnh tranh chiến lược nước lớn và căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực, dù các nước thành viên đều nhấn mạnh cần ưu tiên xây dựng chương trình làm việc và thúc đẩy các nội dung chính của chương trình nghị sự, khả năng đạt đồng thuận về chương trình nghị sự, tiến tới mục tiêu cuối cùng là đàm phán đa phương về giải trừ quân bị vẫn còn xa vời. Trên thực tế, Hội nghị không đạt được đồng thuận thúc đẩy đàm phán trong nhiều năm nay.
Kết thúc Hội nghị, Đại sứ Dương Chí Dũng bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng những nội dung thảo luận thực chất trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam và các đánh giá, đề xuất khách quan, mang tính xây dựng của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội nghị năm 2019, sẽ tạo động lực cần thiết và tính tiếp nối để Hội nghị có thể đạt được các kết quả thực chất trong tương lai gần./.
Ý kiến ()