Việt Nam hưởng ứng thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới 2023
Thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay là “Tương lai của thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước qua các thế hệ”. Hưởng ứng sự kiện này, Việt Nam đưa ra chủ đề “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”.
Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ quan trắc và kiểm tra lắp đặt thiết bị quan trắc. (Ảnh: VNMHA). |
Cần có hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho mọi người
Trong thông điệp về Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay, Giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhấn mạnh, Ngày Khí tượng Thế giới năm 2023 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đây là dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO), tiền thân của WMO.
Thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới 2023: Tương lai của thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước qua các thế hệ. (Ảnh: WMO) |
Trong suốt 150 năm qua, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia đã thu thập và chuẩn hóa dữ liệu làm cơ sở cho dự báo thời tiết mà chúng ta đang thụ hưởng. Lịch sử trao đổi dữ liệu của WMO là một câu chuyện thành công về hợp tác trong khoa học bảo đảm an toàn tính mạng và sinh kế của người dân.
Giáo sư Petteri Taalas chia sẻ: “Tổ chức Khí tượng thế giới là cơ quan lâu đời thứ hai của Liên hợp quốc. Chúng tôi tự hào về những thành tựu đã đạt được và tôn vinh những thành tựu này trong một năm mang tính bước ngoặt khi Đại hội đồng Tổ chức Khí tượng thế giới sẽ ban hành các chiến lược ưu tiên để thúc đẩy tầm nhìn của chúng ta về một thế giới có khả năng chống chịu tốt hơn với các hiện tượng cực đoan của thời tiết, khí hậu, nước và các điều kiện môi trường khắc nghiệt khác”.
Một nửa số thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới vẫn chưa có hệ thống Cảnh báo sớm đa thiên tai đầy đủ, đồng bộ.
Người đứng đầu WMO cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm cho mọi người.
Hệ thống này sẽ là động lực định hướng thúc đẩy khả năng cảnh báo sớm nhằm bảo đảm trong vòng 5 năm tới, tất cả người dân trên thế giới đều được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã công bố sáng kiến Hệ thống cảnh báo sớm tại Ngày Khí tượng thế giới năm 2022. Sáng kiến này cũng đã được công nhận tại Hội nghị COP 27 tại Sharm-el-Sheikh, Ai Cập và nhận được sự ủng hộ của các nước phát triển, các nước đang phát triển trong cộng đồng Liên hợp quốc và các khu vực tư nhân.
Tổng Thư ký WMO nêu rõ, cần phải có hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho mọi người.
Một nửa số thành viên của WMO vẫn chưa có hệ thống Cảnh báo sớm đa thiên tai đầy đủ, đồng bộ. Và cần hoàn thiện những thiếu hụt này bằng việc hoàn thiện hệ thống quan trắc cơ bản, đặc biệt tại các quốc gia kém phát triển và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.
Hệ thống cảnh báo sớm được xem là “giải pháp dễ dàng nhất” để thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải pháp này không quá tốn kém về chi phí và dễ thực hiện.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong 10 năm tới, thất bại trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai là những nguy cơ cao nhất tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Một nửa thảm họa trên trái đất đều liên quan đến nước.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về nước tại New York, Hoa Kỳ (diễn ra từ ngày 22 đến 24/4 sắp tới), WMO sẽ đưa ra minh chứng các thiên tai liên quan đến nước như lũ, hạn hán đang ngày càng gia tăng như thế nào. Biến đổi khí hậu và băng tan cũng sẽ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng về nguồn nước. Tăng cường quản lý và giám sát tài nguyên nước là rất cần thiết. Và đây là lý do WMO đang triển khai Hệ thống thông tin về nguồn nước toàn cầu để nhằm thúc đẩy việc chia sẻ miễn phí dữ liệu thủy văn.
Giám sát khí nhà kính
Cũng theo Giáo sư Petteri Taalas, biến đổi khí hậu được xác định là một thách thức của toàn cầu. Cách chúng ta ứng phó với thách thức này sẽ quyết định tương lai của trái đất và con cháu chúng ta. Điều này sẽ được nhấn mạnh trong Báo cáo tổng hợp đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày nay cao hơn 1,1 độ C so với 150 năm trước. Thời tiết của chúng ta ngày càng khắc nghiệt hơn, đại dương của chúng ta ấm hơn và có nồng độ axit cao hơn, mực nước biển dâng cao, các tảng băng, các dòng sông băng đang tan chảy. Những biến đổi này đang ngày càng gia tăng.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu ngày nay cao hơn 1,1 độ C so với 150 năm trước. Thời tiết của chúng ta ngày càng khắc nghiệt hơn, đại dương của chúng ta ấm hơn và có nồng độ axit cao hơn, mực nước biển dâng cao, các tảng băng, các dòng sông băng đang tan chảy. Những biến đổi này đang ngày càng gia tăng.
Nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển vẫn đang duy trì ở mức đáng báo động. Tuy nhiên, hiện tại chưa có sự trao đổi quốc tế toàn diện và kịp thời nào về quan trắc khí nhà kính tại bề mặt và trong không gian.
Để rút ngắn khoảng cách này, WMO đang tìm cách phát triển Hệ thống Giám sát khí nhà kính toàn cầu bền vững và có sự kết nối.
Hệ thống này sẽ mở rộng và củng cố những hoạt động lâu dài của WMO trong giám sát khí nhà kính dưới sự bảo trợ của Chương trình Giám sát khí quyển toàn cầu và Hệ thống tích hợp thông tin Khí nhà kính toàn cầu.
Khái niệm này dựa trên Chương trình Giám sát thời tiết thế giới. Chương trình này được hình thành dựa trên sự khởi đầu của kỷ nguyên vệ tinh. Năm nay cũng là kỷ niệm 60 năm thành lập Chương trình này. Đây là tiêu chuẩn vàng cho sự hợp tác toàn cầu.
Giáo sư Petteri Taalas cũng khẳng định, mặc dù trong thời đại trí tuệ nhân tạo và học máy, nhưng chúng ta vẫn cần đến sự cống hiến của các cán bộ đang làm việc tại các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, những người đang miệt mài suốt ngày đêm với mục đích bảo vệ tính mạng của người dân.
Khí tượng góp phần phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng châu Á, đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, cho biết, để hưởng ứng thông điệp của Ngày Khí tượng thế giới năm 2023, Việt Nam đưa ra chủ đề thiết thực. Đó là: “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”.
Chủ đề này nhằm phản ánh các vấn đề về tác động của biến đổi khí hậu đến biến động của thời tiết và tài nguyên nước đang diễn ra và ngày càng rõ rệt trên thế giới. Nhiều người phải đối mặt với các mối nguy hiểm gia tăng hơn bao giờ hết do sự gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường. Vì vậy, cần hành động ngay bây giờ để bảo đảm thế hệ tương lai có thể tồn tại và phát triển trên hành tinh.
Chia sẻ về ý nghĩa của chủ đề này, Giáo sư Trần Hồng Thái cho hay,chủ đề tuyên truyền của nước ta có ý nghĩa khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội. Đồng thời, đây là lời kêu gọi trách nhiệm của mỗi một cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng-thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Giáo sư Trần Hồng Thái cho hay, biến đổi khí hậu hiện đã và đang có những ảnh hưởng lớn tới tài nguyên nước ở Việt Nam.
Cụ thể, mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc.
Có thể kể đến trận mưa đặc biệt lớn kéo dài 5 ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh. Năm 2019, đợt mưa lớn kỷ lục trong 8 ngày ở đảo Phú Quốc từ ngày 2/8 đến ngày 9/8 đã lên tới 1.158mm, chiếm 40% tổng lượng mưa năm.
Gần đây nhất, đợt mưa từ ngày 14-16/10/2022 tại Huế và Đà Nẵng, với lượng mưa ngày hơn 700mm ghi nhận tại Đà Nẵng, gây ngập úng nghiêm trọng.
Lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ra nhiều hơn, khốc liệt hơn ở vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và Trung Bộ, nắng nóng gay gắt hơn. Ngày 20/4/2019, nhiệt độ quan trắc được tại trạm khí tượng Hương Khê (Hà Tĩnh) là 43,4 độ C, là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay được quan trắc tại Việt Nam.
Chỉ trong khoảng 5 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với hai mùa khô hạn hán, xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng (2015/2016 và 2019/2020). Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ngành khí tượng-thủy văn thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Ngành thường xuyên giám sát các biểu hiện của biến đổi khí hậu, mà quan trọng nhất là các đợt thiên tai thông qua hoàn thiện thể chế, quản lý công tác quan trắc, dự báo và truyền tin. Mục tiêu chung là phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước.
Ý kiến ()