Việt Nam học hỏi Nhật Bản xây dựng một xã hội già hóa khỏe mạnh
Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Việt Nam hiện có 9 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên).
Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Già hóa dân số đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, trong đó có vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giữa Nhật Bản và Việt Nam, những chuyên gia đến từ Nhật Bản đã chia sẻ các sáng kiến, các đề xuất, các cơ hội hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực dân số-y tế nhằm thích ứng với già hóa dân số.
Nhiều thách thức khi già hóa dân số
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Phạm Vũ Hoàng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Tỷ trọng và số lượng người cao tuổi ngày càng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Thời gian để Việt Nam chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già chỉ 25 năm. Việt Nam hiện có 9 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% dân số, và sẽ tăng lên 21.7 triệu người vào năm 2050.
Nếu tính người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên thì Việt Nam có khoảng 12 triệu người, chiếm khoảng 12% dân số và sẽ chiếm khoảng 25% dân số vào năm 2050.
“Chúng ta phải khẳng định già hóa dân số hay tuổi thọ người dân phản ánh thành tựu to lớn của sự phát triển kinh tế xã hội trong đó có sự đóng góp của chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, dưới sự lãnh đảo của Đảng và Chính phủ,” ông Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng… đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ… Già hóa dân số đã, đang và sẽ tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, trong đó có chăm sóc cho người cao tuổi bao gồm chăm sóc y tế và xã hội.
Ông Lương Quang Đảng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh vào năm 2021, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.
Hiện nay, 36,7% người cao tuổi sống ở thành thị và 63,3% sống ở nông thôn, nhưng càng lớn tuổi thì nhu cầu sống ở nông thôn càng cao. Phần lớn người cao tuổi (hơn 70%) sống gần con cái.
Những kinh nghiệm từ Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia điển hình và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng một xã hội dân số già.
Nhật Bản là một quốc gia có dân số siêu già hiện nay. Nhóm dân số cao tuổi (65 tuổi trở lên) của Nhật Bản năm 2022 là 36,2 triệu người, chiếm 29% tổng dân số. Dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên là 37,3 triệu người nhưng lại chiếm tới 31% tổng dân số Nhật Bản (do mức sinh giảm, quy mô dân số cũng giảm) và sẽ tiếp tục tăng lên đến gần 40% tổng dân số vào năm 2060.
Tiến sỹ Kenji Shibuya – Đại diện Hiệp hội Y tế Tiên tiến Nhật Bản, từng là Chủ tịch Ủy ban cố vấn tư nhân “Chăm sóc sức khoẻ 2035” cho Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản vào năm 2015 cho hay các cuộc khủng hoảng sức khỏe, xung đột, chênh lệch tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số và các đối đe dọa quy mô toàn cầu khác đang ảnh hưởng đến các cộng đồng.
Đặc biệt, tại Nhật Bản trước thực trạng già hoá dân số, Ủy ban cố vấn tư nhân “Chăm sóc sức khoẻ 2035” có nhiệm vụ phác thảo tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản, xem xét các thách thức như già hóa dân số, chi phí y tế gia tăng và toàn cầu hoá.
“Trụ cột trong tầm nhìn của chúng tôi là cung cấp các dịch vụ dựa trên giá trị, thúc đẩy thiết kế cuộc sống cá nhân bằng cách mở rộng các lựa chọn trong xã hội và thúc đẩy sự lãnh đạo toàn cầu. Sự thay đổi then chốt là từ hệ thống y tế sang hệ thống xã hội, thay vì chỉ tập trung vào các bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khoẻ và điều dưỡng cơ sở làm trung tâm, chúng ta nên xem xét việc cung cấp các dịch vụ phù hợp với cuộc sống của từng cá nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo ra một cơ chế lưu thông bền vững,” Tiến sỹ Kenji Shibuya phân tích.
Tại hội nghị, nhiều chia sẻ từ các chuyên gia của Nhật Bản về các chính sách và sáng kiến nhằm ứng phó với những thách thức của một xã hội già hoá. đặc biệt, những nỗ lực của Nhật Bản trong việc phát triển dịch vụ chăm sóc dựa vào cộng đồng, được hỗ trợ bởi hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn và cung cấp các dịch vụ đa dạng với sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân.
Giáo sư Naoki Kondo – Trưởng khoa Dịch tễ học xã hội, Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Kyoto cho biết, trước đây, để ứng phó với xã hội già hóa, Nhật Bản đã từng đưa ra nhiều chính sách nhưng thất bại. Tuy nhiên, khi chuyển chiến lược dân số, tiếp cận xây dựng cộng đồng với người dân địa phương đã đạt được thành công nhất định.
Nhật Bản đã thành lập các “quán” cộng đồng (nơi tụ họp xã hội) để ngăn ngừa khuyết tật chức năng ở người cao tuổi. Tại các “quán” cộng đồng này, người già có thể tương tác với nhau giảm một nửa tỷ lệ người cần chăm sóc điều dưỡng.
Tại Hội thảo, bà Bùi Thị Ninh – Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết người cao tuổi Việt Nam vẫn có tư duy đầu tư cho tuổi già bằng cách đầu tư cho con cái. Vì vậy, nguồn thu nhập của người cao tuổi Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cháu, càng lớn tuổi, sự phụ thuộc này càng lớn; nguồn từ tiết kiệm rất ít ỏi trong khi số người có lương hưu, trợ cấp xã hội còn hạn chế. Theo bà, điều này là thực tế đáng lo ngại.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng một xã hội dân số già, các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực y tế-dân số của Nhật Bản và Việt Nam đã thảo luận về những ý tưởng dự án hợp tác cho một xã hội già hóa dân số với mục tiêu làm thế nào để kêu gọi các bên liên quan cùng nhau xây dựng một xã hội già hóa khỏe mạnh và năng động ở Việt Nam; giải quyết vấn đề sức khỏe người cao tuổi và xã hội già hóa./.
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, phát huy vai trờ và chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi trong đó có chăm sóc y tế. Dân số Việt Nam có truyền thống kính trọng và chăm sóc người cao tuổi. Nhiều chính sách, chương trình chăm sóc sức khoẻ nói riêng và chăm sóc người cao tuổi nói chung đã được Việt Nam ban hành thực hiện. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Viẹt Nam về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu thích ứng với già hóa dân số. Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 một lần nữa tái khẳng định mục tiêu đó để góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. |
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()