Việt Nam-Hoa Kỳ: Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai
Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chia sẻ một lịch sử chiến tranh và theo sau đó, một lịch sử hòa bình. Cả hai đối tác đều “tự vượt qua chính mình để tới nhà bạn”, cùng nhau gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Vào giữa tháng 5/2022, khi thế giới bước đầu thở phào sau sự hoành hành của đại dịch COVID-19, cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, khi Mỹ và ASEAN cùng nhau kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ giữa khối này và nền kinh tế số 1 thế giới.
Với 600 triệu dân và vị thế địa chính trị của mình, ASEAN ngày càng là đối tác quan trọng của Mỹ. Mỹ luôn coi trọng chính sách ngoại giao đa phương và song phương, nghĩa là cân nhắc giữa quan hệ với cả khối và các nước riêng lẻ.
Những điểm nhấn thực tế
Có thể nói, đây là thời điểm mà các chính sách quan hệ song phương của Mỹ và Việt Nam tái kiểm tra các điểm nhấn thực tế, trước khi “cất cánh” đến một điểm mong muốn mới.
“Việt Nam-Hoa Kỳ cùng có tầm nhìn chung về chiến lược hình thái khu vực và thế giới; tiếp tục giải quyết các sự khác biệt một cách có trách nhiệm và xây dựng, mang tính thực tế, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.” Đây là những chia sẻ của cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng 7/4/2021 nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Trong hơn một phần tư thế kỷ qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã vượt qua vết thương chiến tranh để xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại, y tế công cộng.
27 năm đầy thách thức và những người trong cuộc của hai bên cựu thù trước đây, đã chiến thắng nỗi đau của chính mình, để tìm tới trái tim của phía bên kia và tưởng thưởng cho lòng vị tha và tình bạn. Hành động đó cũng dũng cảm như “vén mây giữa trời…” – như ông Joe Biden, khi còn làm Phó Tổng thống, đã trích dẫn Truyện Kiều để chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 – để tìm tia nắng của niềm hy vọng.
Đó là thực tế, không phải là lời hoa mỹ.
Thực tế của trao đổi giáo dục
Cựu ngoại trưởng Pompeo từng đánh giá cao việc nhiều thanh thiếu niên Việt Nam đến Mỹ du học. Ông nêu ra con số 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Con số đó cao hơn bất cứ số sinh viên Việt Nam du học tại bất cứ quốc gia nào.
Trong khi đó số sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập cũng tăng dần lên. Hiện nay con số đó là 1.200 sinh viên mỗi năm.
Ngay những ngày mà quan hệ ngoại giao chính thức chưa được bình thường trở lại, cố nghị sĩ John McCain, một trong những cựu binh Mỹ, đã có sáng kiến xây dựng Quỹ học bổng giáo dục Việt Nam-Vietnam Education Fund (VEF).
Và chỉ còn 3 năm nữa, lứa sinh viên đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam tốt nghiệp. Họ không chỉ là những nhân lực cụ thể, mà còn là biểu trưng cho nền ngoại giao nhân dân lặng lẽ giữa hai dân tộc, hai đất nước.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói: “Nếu tôi có một cây đèn thần, tôi ước rằng Việt Nam có nhiều năng lực hơn để thực hiện phát triển giáo dục…” Ông cũng là nhà ngoại giao Hoa Kỳ đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975 đi thăm và thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn.
Thực tế về hợp tác y tế
Người viết bài này vừa đọc cuốn “10 bài học cho thế giới hậu đại dịch” của nhà báo Fareed Zakaria, người Mỹ gốc Ấn, nhà bình luận nổi tiếng của CNN và New York Times. Trong 10 bài học mà ông rút ra, bài đầu tiên là “Hãy thắt dây an toàn” (Buckle-up), trong đó ông nhận định rằng: “Có thể nói Hoa Kỳ là nền y tế số 2 thế giới với các trường đại học y khoa và hệ thống bệnh viện, trong một thế giới không có số 1”. Tuy vậy, ông nói thêm: “Nhưng về y tế cộng đồng thì chỉ có trên cung trăng”. Tôi xin trích dẫn điều này để nói thực tế gần như ngược lại tại Việt Nam, nơi y tế cộng đồng tương đối phát triển và đạt không ít thành tựu.
Y học Việt Nam đã học hỏi nhiều từ Hoa Kỳ và nhiều nước khác, trên cơ sở chính sách đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa”. Theo quan sát của nhiều học giả quan hệ quốc tế trên thế giới, thành tựu hiện nay của Việt Nam có nền móng từ chính sách đổi mới, trong đó chính sách thân thiện, hữu nghị, sẵn sàng làm bạn và yêu chuộng hòa bình là cái dây an toàn của một cơ thể dẻo dai, giúp bay lên mà không sợ độ cao. Đại dịch COVID-19 cho thấy sự “dẻo dai đầy chịu đựng” đó của một Việt Nam mở cửa.
Vào những năm đầu của 1990, ngay cả khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ, nhiều bác sĩ hàng đầu của Việt Nam đều đã đến Mỹ hoặc học tập hoặc tu nghiệp hoặc tham quan thực tế. Ngày 25 tháng 8 năm 2021, trong đại dịch, Phó Tổng thống Mỹ Harris đã dự lễ khánh thành Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Hà Nội. Cả hai cùng vượt qua thách thức nhờ sức mạnh của tính thực tế: ghi một điểm 10 trong ngoại giao và thêm một điểm 10 nữa trong chống đại dịch, tăng thêm sức mạnh mềm cho cả hai bên.
Trước các Bộ trưởng Y tế từ mười một quốc gia, Phó Tổng thống Kamala D. Harris đã nhấn mạnh: “Văn phòng Khu vực mới tăng cường khả năng của CDC phản ứng nhanh hơn với các mối đe dọa sức khỏe ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.”
Người viết tin những lời của bà Harris không chỉ mang tính ngoại giao.
Thực tế hợp tác dệt may
“Giấc mơ của chúng ta đã hiện thực. Việt Nam trở thành đối tác dệt may hàng đầu trên thị trường Mỹ”. Đó là lời mà Mark Newman, Phó Chủ tịch đối ngoại của tập đoàn Mast Industries và Limited Brand nói vào ngày 8/5/2020 khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu quần áo lớn nhất vào thị trường này.
“Thế là giấc mơ mà chúng tôi, những người nặng lòng với việc xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Hoa Kỳ hai mươi năm trước đây, tưởng như không thể, đã trở thành sự thật!”, ông Lê Quốc Ân, cựu Chủ tịch Hiệp Hội dệt may Việt Nam nói trong xúc động.
Và đến quý I/2022, ngay sau khi Việt Nam khởi động lại chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, thì xuất khẩu dệt may vào thị trường Hoa Kỳ đạt tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm.
Đánh giá về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong một phần tư thế kỷ qua mà không tính tới các bối cảnh an ninh khu vực, chủ yếu là tình hình Biển Đông, và xung đột Nga-Ukraine sẽ là những đánh giá thiếu thực tế.
Nhưng việc Tổng thống Joe Biden gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó có lãnh đạo Việt Nam, để mừng 45 năm thiết lập quan hệ Mỹ-ASEAN, cho thấy cả ASEAN và Mỹ đều rất thực tế: Chỉ có vượt qua chướng ngại và bất đồng từ mọi xung đột thì mới đạt được tiến bộ trong hòa bình và thịnh vượng chung.
“Rằng trăm năm cũng từ đây…”
Cựu Tổng thống Barack Obama khi thăm Việt Nam năm 2018 cũng đã trích Kiều trong diễn văn của mình:
“Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin còn một chút này làm ghi“…
Rõ ràng, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ mượn Kiều để nói lên cam kết xây dựng quan hệ Việt-Mỹ bền vững cho 100 năm tiếp theo, chứ không dừng lại 25 năm tiếp theo.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bác sĩ sản khoa hàng đầu Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Mỹ Thành phố Hồ Chí Minh, đã nhấn mạnh trong buổi hòa nhạc kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh tối 24/7/2020: “…Chúng ta vinh danh những giá trị lịch sử của một nền ngoại giao đặc biệt- nền ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ.”
Bà giải thích: “Sở dĩ nói đặc biệt vì đó là một mô hình biến đổi trạng thái giữa chiến tranh và hòa bình, giữa thù hận và tha thứ, giữa ghi nhớ và lãng quên, một quan hệ đã được thử thách và một phần tư thế kỷ của nó phản ánh ba-phần-tư còn lại”.
Ý kiến ()