Việt Nam hấp dẫn doanh nhân Thái-lan
Việt Nam là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư khắp nơi. Thị trường đầu tư Việt Nam có sức hút mạnh do: chính trị-xã hội ổn định; chi phí đầu tư, nhân công thấp; lực lượng lao động hùng hậu, tỷ lệ dân số trẻ cao, sức mua lớn; tăng trưởng GDP ấn tượng. Trong số các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam có các doanh nghiệp đến từ Thái-lan.Hiện nay, tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế Thái-lan vẫn chủ yếu có được từ sự đóng góp của nguồn vốn đầu tư. Nước này tiếp tục thi hành các chính sách, biện pháp khuyến khích thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư công cũng như tư nhân. Những năm gần đây, tình hình bất ổn về chính trị, xã hội ở Thái-lan kéo dài, nhiều ngành nghề thiếu lao động do quy luật dân số bước vào thời kỳ già hóa. Suất đầu tư, chi phí cho lao động tăng, dẫn đến khó khăn trong kinh doanh, giảm tỷ lệ lợi tức. Nhiều doanh nhân Thái-lan muốn đón đầu cơ hội kinh doanh khi...
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng khá cao của nền kinh tế Thái-lan vẫn chủ yếu có được từ sự đóng góp của nguồn vốn đầu tư. Nước này tiếp tục thi hành các chính sách, biện pháp khuyến khích thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư công cũng như tư nhân. Những năm gần đây, tình hình bất ổn về chính trị, xã hội ở Thái-lan kéo dài, nhiều ngành nghề thiếu lao động do quy luật dân số bước vào thời kỳ già hóa. Suất đầu tư, chi phí cho lao động tăng, dẫn đến khó khăn trong kinh doanh, giảm tỷ lệ lợi tức. Nhiều doanh nhân Thái-lan muốn đón đầu cơ hội kinh doanh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015, nên chủ trương đầu tư ra nước ngoài với những ưu thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực mà Thái-lan có lợi thế và nhiều kinh nghiệm so với các nước khác trong khu vực, nhất là trong các lĩnh vực: sản xuất xi-măng; chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; nuôi trồng chế biến thủy sản; du lịch, nhà hàng, khách sạn; chế biến nông sản, cao-su, sắn, đường…
Trong hội thảo quảng bá, giới thiệu thị trường kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam, do Hiệp hội công nghiệp Thái-lan (IAT) tổ chức gần đây tại Thủ đô Băng-cốc, với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 100 tập đoàn, công ty và doanh nghiệp nước này. Trong đó có các tập đoàn lớn đã và đang đầu tư ở Việt Nam như Tập đoàn Chính Đại Bốc Phong (CP), Tập đoàn Xiêm xi-măng (SCG), Ngân hàng Băng-cốc (BB), Công ty TIPCO, Amata… Nhiều ý kiến trong hội thảo đồng tình nhận định, trong bối cảnh giá nhân công và các chi phí sản xuất, lưu thông khác tại Thái-lan đang tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, xuất khẩu, các doanh nghiệp Thái-lan cần tìm hướng đầu tư ra nước ngoài. Tháng 4 vừa qua, BB (Ngân hàng Thương mại lớn nhất của Thái-lan) đã tổ chức cho 30 doanh nghiệp nước này thăm tỉnh Bình Dương tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Nhiều nhà đầu tư lớn và nhỏ của Thái-lan đã vào Việt Nam kinh doanh trong 15 năm qua. Các doanh nghiệp Thái-lan nêu rõ, họ đầu tư vào Việt Nam vì những năm gần đây mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam đạt 7,5%/năm và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tương tự trong thời gian tới. Khoảng 70% trong số 85 triệu người Việt Nam ở độ tuổi dưới 30. Việt Nam có một lực lượng lao động ổn định, chi phí nhân công thấp và đây là cơ hội để các nhà đầu tư, các doanh nhân làm ăn trong dài hạn. Dân số trẻ cũng tạo ra nhu cầu tiêu dùng mạnh, thị trường tiêu dùng rộng lớn, vì những người trẻ tuổi có khuynh hướng, nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn những người lớn tuổi.
Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp cuộc sống một số luật: đầu tư, doanh nghiệp, đất đai và cạnh tranh thương mại tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chẳng hạn như, các doanh nghiệp nước ngoài được phép mua 100% cổ phần trong các doanh nghiệp tư nhân theo những hướng dẫn cụ thể. Đầu tư của Thái-lan vào Việt Nam đến nay chủ yếu tập trung ở vùng phía nam. Đại diện nhiều công ty chế biến và xuất khẩu gạo, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cao-su Thái-lan mong muốn hai nước thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong hai lĩnh vực này. Thái-lan là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, sản xuất và xuất khẩu cao-su thiên nhiên nhiều nhất thế giới. Trong ASEAN, Thái-lan có quy mô nền kinh tế lớn thứ hai (sau In-đô-nê-xi-a) với GDP hiện đạt khoảng 320 tỷ USD; tính theo sức mua tương đương (GDP/PPP) khoảng hơn 500 tỷ USD và có quy mô dân số đứng thứ tư (67 triệu người), sau In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin và Việt Nam.
Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thái-lan đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái-lan cũng tăng gần 10%. Trong năm 2010, các doanh nghiệp Thái-lan đầu tư thêm 14 dự án, đưa tổng số dự án của các nhà đầu tư Thái-lan đang hoạt động tại Việt Nam lên hơn 230. Thái-lan lọt vào nhóm mười nước và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Theo ước tính từ phía Thái-lan, tổng số vốn của doanh nhân Thái-lan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988 đến nay đạt khoảng sáu tỷ USD.
Một số công ty và doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiến hành đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với Thái-lan. Đến nay đã có tám văn phòng đại diện của các công ty và doanh nghiệp Việt Nam mở cửa tại Thái-lan. Một số hàng hóa của Việt Nam như gạch men, cà- phê, chè, đồ gia vị, vật liệu xây dựng xuất hiện nhiều hơn trong các siêu thị, cửa hàng nước này. Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN hiện tại và AEC sắp tới, nhiều mặt hàng trong danh mục xuất nhập khẩu giữa hai nước đã và đang hướng tới mức thuế suất bằng 0%, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả hai bên thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương. Đây cũng là lợi thế của hai nước trong việc xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba trong ASEAN và ra thị trường bên ngoài.
Gần đây, trên các chuyến bay của các hãng hàng không xuất phát từ sân bay quốc tế Thủ đô Băng-cốc Xu-va-na-bu-mi đến Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ngược lại luôn kín chỗ. Phần lớn hành khách là người Thái-lan du lịch đến Việt Nam và người Việt Nam du lịch đến Thái-lan. Trong đó có không ít doanh nhân hai nước đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm ăn, buôn bán. Các hãng hàng không của hai nước dự định mở lại và mở thêm các tuyến đường bay thẳng nối các TP lớn ở hai nước. Cùng với việc lưu thông thuận tiện trên các tuyến đường bộ của Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), đường biển nối các cảng ở Biển Đông với các cảng trong Vịnh Thái-lan sẽ tăng thêm sự lựa chọn hợp lý, để chuyên chở, đi lại dễ dàng, thuận tiện với giá hợp lý hơn.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()