Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử
Trao đổi với phía Hàn Quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Việt Nam sẽ thực hiện phương châm “suy nghĩ lớn, bắt tay làm ngay và bắt đầu từ những việc thiết thực nhất”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc Kim Boo Kyum trao biên bản ghi nhớ đã ký kết. Ảnh: Mạnh Đức |
Ngày 25/5, Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến công tác và làm việc của Đoàn Văn phòng Chính phủ Việt Nam tại Seoul, Hàn Quốc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu.
Nội dung chính của bản ghi nhớ bao gồm: Chia sẻ kinh nghiệm định hướng chiến lược, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến Chính phủ điện tử; tư vấn thiết kế, lựa chọn giải pháp, công nghệ thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia; xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu; triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử; hỗ trợ nâng cấp, phát triển các kênh tương tác giữa Chính phủ với người dân và doanh nghiệp; đào tạo nhân lực, hỗ trợ các chuyên gia về Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc Kim Boo Kyum bày tỏ vui mừng được đón đoàn Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Ông chia sẻ, các hoạt động giữa Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc và Văn phòng Chính phủ Việt Nam nhằm cụ thể hóa các cam kết giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các nhà lãnh đạo của Việt Nam trong chuyến thăm của Ngài Tổng thống Moon Jae-in sang Việt Nam cuối tháng 3/2018. Hàn Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ chính sách hướng Nam, trong đó xác định Việt Nam là đối tác chiến lược và trọng điểm của Hàn Quốc.
Bộ trưởng Kim Boo Kyum cũng bày tỏ sự kính trọng lớn lao với Chủ tịch Hồ Chí Minh và khâm phục ý chí của con người Việt Nam trong phát triển và xây dựng đất nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã trao đổi về mục đích chuyến đi, về cơ sở hợp tác chiến lược lâu dài và tiếp nối truyền thống quan hệ hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hàn Quốc là nước đứng thứ nhất về đầu tư dự án tại Việt Nam, đứng thứ hai về viện trợ ODA, cán cân thương mại giữa hai nước năm 2017 đạt ngưỡng 60 tỷ USD.
Năm 2016, theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc đã xếp hạng thứ 3 thế giới về Chính phủ điện tử. Chính phủ Hàn Quốc đã rất nỗ lực trong triển khai Chính phủ điện tử với quyết tâm của người đứng đầu là Tổng thống.
Trong chuyến đi này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đã trao thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi ngài Tổng thống và ngài Thủ tướng Hàn Quốc đặt vấn đề hỗ trợ chính thức xây dựng Chính phủ điện tử cho Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ, Việt Nam rất mong muốn học tập Hàn Quốc – một hình mẫu thành công về Chính phủ điện tử được đánh giá cao trên thế giới. Việt Nam sẽ thực hiện phương châm “suy nghĩ lớn, bắt tay làm ngay và bắt đầu từ những việc thiết thực nhất”.
Theo Bộ trưởng Kim Boo Kyum, Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm về xây dựng Chính phủ điện tử, các bước đi cũng như khó khăn, thất bại của Chính phủ điện tử Hàn Quốc để giúp Việt Nam thực hiện thành công xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian ngắn nhất.
Bộ trưởng Kim Boo Kyum mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân của Hàn Quốc tham gia các dự án xây dựng Chính phủ điện tử.
Sáng cùng ngày, hai cơ quan đã có buổi làm việc và trao đổi về 3 chủ đề lớn bao gồm các giải pháp Chính phủ trí tuệ, hệ thống văn bản điện tử và văn phòng thông minh.
Phía bạn chia sẻ, bước đi đầu tiên không phải là vấn đề tập trung vào công nghệ và giải pháp kỹ thuật mà cần chú trọng rà soát và xây dựng thể chế, các văn bản, quy định của pháp luật để tạo hành lang xây dựng Chính phủ điện tử.
Giải pháp Chính phủ trí tuệ tập trung vào ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực của Chính phủ và tạo sự thân thiện, gần gũi với người dân.
Hệ thống văn bản điện tử đã được xây dựng từ năm 1992 và cho đến năm 2005, khi các khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện, hệ thống văn bản điện tử đã trở thành công cụ đắc lực trong quản lý nền hành chính của Hàn Quốc. Con số ấn tượng là gần 130 triệu văn bản đã được luân chuyển trên hệ thống. Hàn Quốc đang nỗ lực để công khai thông tin dữ liệu đến tất cả người dân, doanh nghiệp để minh bạch thông tin và tạo cơ sở khai thác hiệu quả nguồn thông tin hữu ích này. Cho đến nay, hệ thống đã được ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và tiếp tục nâng cấp liên tục trong thời gian tới.
Với hệ thống văn phòng thông minh, trên 3 vạn công chức Hàn Quốc thường xuyên sử dụng hệ thống, tiết kiệm rất nhiều chi phí, ước tính với từng công chức là khoảng 20 USD/ngày.
Phía bạn cũng rất thẳng thắn chia sẻ các khó khăn khi triển khai mà Hàn Quốc chưa tính toán được ngay từ đầu. Việc này dẫn tới có quá nhiều hệ thống trùng lặp, tương tự và Hàn Quốc đã tiếp tục phải nỗ lực để giảm các con số này xuống. Phía bạn cũng lưu ý về việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và kết nối.
Việc xây dựng trung tâm Dữ liệu cần tính toán về vị trí địa lý, năng lực cung ứng về nguồn điện, đặc biệt là vấn đề an toàn an ninh. Về tỷ lệ nguồn vốn đầu tư, Hàn Quốc đã lựa chọn công thức 60 % cho đầu tư ban đầu và 40 % cho chi phí duy trì hệ thống.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cùng đoàn đã đi thăm trực tiếp các bộ phận tác nghiệp, chứng kiến môi trường làm việc của các cán bộ, công chức của Văn phòng Bộ An ninh và Nội vụ, Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng gặp Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Truyền thông Hàn Quốc Yoo Young min – Ảnh: Mạnh Đức |
* Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Truyền thông Yoo Young Min. Đây là Bộ chủ trì trong triển khai cuộc cách mạng I – Korea 4.0 của Hàn Quốc.
Bộ trưởng Yoo Young min bày tỏ vui mừng khi được gặp lại Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng và chia sẻ, Hàn Quốc có rất nhiều hoạt động hợp tác khoa học công nghệ với Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực công nghệ thông tin, biến đổi khí hậu… Sắp tới, Hàn Quốc dự kiến đầu tư thêm Trung tâm công nghệ thông tin tại TPHCM, ngoài Trung tâm đã hoạt động rất hiệu quả tại Hà Nội hiện nay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đánh giá cao các thành tựu khoa học công nghệ Hàn Quốc đã đạt được trên nền tảng công nghệ 4.0 và nền kinh tế số hóa ở mức độ tiên tiến trên thế giới.
Bộ trưởng Yoo Young min cho biết, cốt lõi của chiến lược I-Korea 4.0 là hướng tới con người làm trung tâm để triển khai. Hai phương hướng chính là DNA (công nghệ Big Data, nền tảng hệ thống mạng và trí tuệ nhân tạo) và R&D (đầu tư nghiên cứu các dự án khoa học trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa các dự án vào ứng dụng trong thực tiễn).
Hai Bộ trưởng thống nhất cao về quan điểm hợp tác giữa hai cơ quan. Bộ trưởng Yoo Young min cho biết Bộ Khoa học Công nghệ, Truyền thông Hàn Quốc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ An ninh và Nội vụ của Hàn Quốc để cùng với Văn phòng Chính phủ Việt Nam hợp tác thành công, đặc biệt trong lĩnh vực Chính phủ điện tử.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm và Đoàn công tác đã có buổi làm việc tại Công ty SamSung SDS, khảo sát mô hình thành phố thông minh tại Incheon và gặp gỡ các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Các buổi tiếp xúc đã mở ra nhiều cơ hội tiềm năng với các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam và các doanh nghiệp mới đang tìm kiếm cơ hội.
Dự kiến sáng ngày 27/5, Đoàn công tác sẽ rời Seoul, kết thúc chuyến công tác khảo sát về Chính phủ số và Dữ liệu mở gắn với cải cách, hiện đại hóa hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại Hàn Quốc.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()