Việt Nam-Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm trong phân phối và logistics
Tại hội nghị, hai bên sẽ trao đổi, thảo luận chính sách pháp luật, kinh nghiệm quản lý của Hàn Quốc để tìm giải pháp giúp cơ quan quản lý Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển logistics.
Thực hiện chương trình hợp tác thường niên trong lĩnh vực phân phối và logistics giữa Việt Nam-Hàn Quốc, sáng 9/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức hội nghị Đối thoại chính sách trực tuyến trong lĩnh vực phân phối và logistics giữa Việt Nam-Hàn Quốc năm 2021.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh Đối thoại chính sách Việt Nam-Hàn Quốc trong lĩnh vực phân phối và logistics là chương trình định kỳ 2 năm 1 lần do Bộ Công Thương mà đầu mối là Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng của Hàn Quốc luân phiên tổ chức từ năm 2013 trở lại đây.
Theo ông Trần Duy Đông, những năm gần đây ngành phân phối và logistics của Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự hội tụ của công nghệ vào lĩnh vực bán lẻ, sự hiện diện đông đảo của người tiêu dùng đã khiến thị trường bán lẻ ngày càng trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn với sự xuất hiện những xu hướng mới như bán hàng trực tuyến, bán hàng đa kênh.
Đặc biệt, các kênh bán hàng trực tuyến cũng ngày càng phát huy vai trò trong bối cảnh dịch COVID-19. Đơn cử, năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019.
Trong lĩnh vực logistics, với sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, áp dụng công nghệ 4.0, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối…theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.
Tuy nhiên, về cơ bản các chính sách pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực phân phối và logistics vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành nên chưa thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Chính vì vậy, tại hội nghị này ông Trần Duy Đông kỳ vọng hai bên sẽ trao đổi, thảo luận về chính sách pháp luật, kinh nghiệm quản lý của Hàn Quốc để tìm giải pháp giúp cơ quan quản lý của Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, thúc đẩy ngành phân phối Việt Nam phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các Tập đoàn bán lẻ quy mô lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, giữa kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống.
Chia sẻ về thực trạng cần thiết phân biệt hàng thật, hàng giả đối với sản phẩm nhập khẩu tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Bình Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường sẽ giám sát và kiểm tra việc xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo định kỳ hoặc chuyên đề, có thể báo trước hoặc kiểm tra đột xuất khi thấy có dấu hiệu vi phạm.
Nhưng bất cập trong việc giám sát hàng hoá lưu thông tại Việt Nam hiện nay là việc phát triển thương mại điện tử rất mạnh mẽ khiến cơ quan thực thi rất khó tiếp cận với các cơ sở kinh doanh thương mại điện tử nhỏ lẻ, cá nhân giống như các trang bán hàng trên Facebook, Zalo, Youtube.
Hơn nữa, hàng hoá chủ yếu vận chuyển qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh cũng là điều khó khăn cho lực lượng chức năng quản lý thị trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực bưu chính vẫn còn nhiều bất cập nên các đối tượng có thể lợi dụng những kẽ hở trong quy định về Luật Bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng giả.
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng chỉ ra rằng, dù có cơ chế thực thi cũng như các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an… nhưng sự phối hợp chia sẻ thông tin thực tế vẫn còn hạn chế.
Hơn nữa, thủ tục thực thi, nhất là về sở hữu trí tuệ còn nhiều phức tạp và bất cập. Khiếu nại trong tranh chấp về sở hữu trí tuệ cũng khá khó khăn, có nhiều vướng mắc cho cơ quan thực thi.
Ngoài ra, một khó khăn nữa gây cản trở cho phía lực lượng kiểm tra kiểm soát là nhiều doanh nghiệp còn ngại cung cấp thông tin cho cơ quan thực thi; người tiêu dùng thích hàng có thương hiệu nhưng số tiền bỏ ra thấp nên ý thức chưa cao.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng cục Quản lý thị trường xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 và các năm tiếp sẽ tập trung vào chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là kiểm tra, xử lý trên môi trường mạng, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an…
Ông Nguyễn Thanh Bình cũng hy vọng, phía Hàn Quốc có thông tin chia sẻ liên quan đến các sản phẩm Hàn Quốc bán tại Việt Nam có dấu hiệu bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên cung cấp thông tin sớm cho lực lượng quản lý thị trường để phối hợp xử lý.
Tại hội nghị, hai bên đã trao đổi và chia sẻ về các chủ đề như giới thiệu ứng dụng “Scan sản phẩm Hàn Quốc” đến khách hàng và các nhà nhập khẩu của Việt Nam; thực trạng và chính sách phát triển hệ thống cửa hàng outlet tại Hàn Quốc; tiêu chí phân loại trung tâm logistics; quy định và chính sách phát triển các loại hình trung tâm logistics tại Hàn Quốc, kinh nghiệm xây dựng và phát triển các trung tâm phân phối tổng hợp nhằm gắn sản xuất với phân phối lưu thông.
Phía Việt Nam cũng chia sẻ với phía Hàn Quốc về thực trạng phát triển ngành phân phối và logistics tại Việt Nam trong thời gian qua và định hướng phát triển ngành trong thời gian tới. Theo đó, để phát triển ngành phân phối và logistics theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững, cần nâng cao vai trò của thương mại điện tử, chú trọng phát triển hạ tầng mềm, nhất là đào tạo nhân lực trong ngành./.
Ý kiến ()