Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác Mê Kông - Nhật Bản
Trong tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, kể từ khi tham gia quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung giữa các nước Mê Kông và Nhật Bản, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác Mê Kông - Nhật Bản.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, kể từ khi tham gia quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung giữa các nước Mê Kông và Nhật Bản, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác Mê Kông – Nhật Bản.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 (Philippines, tháng 1/2007), Nhật Bản đưa ra Chương trình quan hệ đối tác Nhật Bản – Mê Kông, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên đó là: Hội nhập kinh tế tiểu vùng (cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường liên kết khu vực)…; Mở rộng thương mại – đầu tư giữa Nhật Bản với khu vực Mê Kông; Theo đuổi các giá trị phổ cập và mục tiêu chung của khu vực (xóa đói giảm nghèo, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường,.vv..). Để thúc đẩy khuôn khổ hợp tác này, Nhật Bản đề xuất 4 “sáng kiến” triển khai trong giai đoạn 2007 – 2009 bao gồm: Tăng ODA cho khu vực Mê Kông: Nhật Bản xác định khu vực Mê Kông là khu vực ưu tiên và sẽ tăng ODA cho từng nước CLV ( Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam)cũng như cả khu vực trong 3 năm tới. Trong khoản hỗ trợ mới 52 triệu USD cho thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản, Nhật Bản hỗ trợ gần 40 triệu USD cho các nước CLMV (Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam), trong đó gần 20 triệu USD hỗ trợ Tam giác phát triển CLV. Xúc tiến đàm phán các hiệp định đầu tư song phương với Lào, Campuchia; Tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Nhật Bản – Mê Kông vào tháng 1/2008 tại Tokyo (Nhật Bản); Tổ chức năm giao lưu Mê Kông – Nhật Bản 2009.
Đến nay, Nhật Bản và các nước Mê Kông gồm: Căm-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 06 cuộc họp cấp Bộ trưởng và 04 cuộc họp Cấp cao. Giai đoạn 2008-2012: Hợp tác Mê Kông – Nhật Bản hình thành vào năm 2008 với mục tiêu xây dựng “Quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung” giữa các nước Mê Kông và Nhật Bản. Trên cơ sở Tuyên bố Tokyo, Kế hoạch hành động 63, Sáng kiến hợp tác thương mại công nghiệp và Sáng kiến Mê Kông Xanh, hợp tác Mê Kông – Nhật Bản đã triển khai được nhiều dự án quan trọng trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường, giao lưu văn hóa và hợp tác công tư.
Hợp tác Mê Kông – Nhật Bản phát triển tương đối thuận lợi. Do có lợi ích chiến lược ở khu vực (thúc đẩy hành lang kinh tế chiều ngang nối từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương; cân bằng ảnh hưởng với đối tác khác,…), Nhật Bản muốn thúc đẩy hợp tác với khu vực; Tính bổ trợ lẫn nhau cao do Nhật Bản là đối tác phát triển có tiềm lực kinh tế và công nghệ, trong khi các nước Mê Kông có tiềm năng lớn về nguồn lực tài nguyên, nhân công và thị trường; Nhật Bản là quốc gia gần về địa lý và khá trung lập; ôn hòa về mặt chính trị, do đó việc hợp tác với tất cả các nước Mê Kông cũng dễ dàng.
Trong giai đoạn 2013 – 2015, tại Hội nghị Cấp cao (HNCC) Mê Kông – Nhật Bản lần 4 (4/2012, Tokyo), các nhà lãnh đạo đã thông qua “Chiến lược Tokyo”, theo đó, xác định ba trụ cột hợp tác mới giai đoạn 2013 – 2015 gồm: Tăng cường kết nối trong khu vực Mê Kông và giữa Mê Kông với các nước bên ngoài; Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Nhật Bản và các nước Mê Kông; Hợp tác về môi trường và an ninh con người. Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản đã nêu cam kết sẽ tiếp tục dành 600 tỷ Yên ODA hỗ trợ các nước Mê Kông giai đoạn 3 năm tới và đưa ra danh sách 57 dự án mà Nhật Bản mong muốn hỗ trợ thực hiện (tổng giá trị khoảng 2.300 tỷ Yên). Để triển khai ba trụ cột hợp tác trên, Hội nghị Bộ trưởng Mê Kông – Nhật Bản lần 5 (Phnôm-pênh, 7/2012) đã thông qua “Kế hoạch hành động Mê Kông – Nhật Bản nhằm thực hiện Chiến lược Tokyo 2012” với các chương trình dự án hợp tác cụ thể…
Việt Nam là nước tham gia tích cực, chủ động, tranh thủ được sự hỗ trợ của Nhật Bản cho nhiều dự án, chương trình hợp tác, nhất là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tại các Hội nghị, Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam cũng đưa ra các sáng kiến nhằm nâng cao tính hiệu quả và thiết thực của cơ chế hợp tác. Gần đây, tại HNCC Mê Kông – Nhật Bản lần 4 ở Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra sáng kiến “Tăng cường kết nối các hành lang kinh tế tại tiểu vùng Mê Kông qua thúc đẩy vận tải đa phương thức” và đã nhận được ủng hộ của Hội nghị. Sáng kiến giúp tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp và hỗ trợ cho vận tải đường bộ và đường biển; tăng cường tính kết nối giữa các hành lang kinh tế; tạo thuận lợi cho du khách, lưu thông thương mại hàng hoá nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải; góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông.
Hội nghị Cấp cao Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 5 sẽ tập trung thảo luận phương hướng hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mê Kông và Nhật Bản trong giai đoạn tới, góp phần củng cố sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mê Kông.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()