Việt Nam giành chín HCV bơi, cử tạ và bóng bàn
Sau hai ngày thi đấu của ASEAN Para Games 11-2022, đoàn thể thao người khuyết tật nước chủ nhà Indonesia đã thể hiện sự vượt trội, dẫn đầu bảng xếp hạng thành tích huy chương khi giành được 15 Huy chương vàng (HCV), 10 Huy chương bạc (HCB), chín Huy chương đồng (HCĐ).
Châu Hoàng Tuyết Loan phá kỷ lục đại hội môn cử tạ hạng 55kg nữ. (Ảnh THÁI DƯƠNG) |
Cùng giành được tổng cộng chín HCV, lập ba kỷ lục đại hội, nhưng đoàn Việt Nam chỉ xếp thứ ba, sau đoàn Thái Lan do kém về số lượng HCB. Hôm qua ghi nhận là “ngày vàng” của các vận động viên (VĐV) bơi nước ta với sáu HCV.
Trong ngày thi đấu thứ hai của ASEAN Para Games 11-2022 và cũng là ngày ra quân của môn bơi, các VĐV Việt Nam thi đấu bùng nổ, giành sáu HCV. Trên đường đua xanh, Võ Huỳnh Anh Khoa và Đặng Văn Công lần lượt chiếm cả hai vị trí để giành HCV và HCB nội dung 400m bơi tự do hạng thương tật T8. Hai VĐV nước ta không được xếp là hạt giống và phải bơi ở hai làn phía ngoài, trong đó Anh Khoa giành HCV với thành tích 5 phút 29 giây 25, bỏ xa đồng đội hơn 28 giây. Về nhì song Đặng Văn Công vẫn nhanh hơn đối thủ người Philippines đứng thứ ba gần 15 giây. Trong khi đó, VĐV Trần Quốc Phi đến từ Hà Nội về nhất ở cự ly 100m ếch hạng SB13 nam sau 1 phút 14 giây 90, nhanh hơn chút ít so với VĐV về nhì của Singapore.
Các vận động viên thi đấu môn bắn cung tại ASEAN Para Games 11-2022. |
Thi đấu hạng S8 của nữ ở cự ly 400m tự do chỉ có hai VĐV tham dự, VĐV người Quảng Trị là Lê Thị Dung đã cán đích sau gần sáu phút để giành HCV đồng thời phá kỷ lục đại hội, bỏ xa VĐV Chantha của Campuchia hơn ba phút rưỡi. Lê Thị Dung trong buổi thi đấu chiều qua ở cự ly 100m tự do nữ hạng S8 đã xuất sắc giành thêm HCV thứ hai, với thời gian 1 phút 19 giây 92 nhanh hơn VĐV về nhì của Malaysia tới 8 giây. Ngay sau Lê Thị Dung, VĐV Vi Thị Hằng đã cán đích đầu tiên khi thi đấu 100m tự do nữ hạng S7, bỏ xa hai đối thủ nước chủ nhà về nhì và ba cùng nhiều VĐV khác. Võ Thanh Tùng xuất sắc về đích đầu tiên ở cự ly 50m bơi ngửa nam hạng S5, vượt qua sáu VĐV cùng tranh tài ở nội dung này. Ngoài ra, các VĐV Việt Nam còn giành thêm HCB của Nguyễn Ngọc Thiết (100m tự do nam hạng S9), Trương Quang Gôn (400m tự do nam hạng S10), và các HCĐ của: Hồ Văn Đào (100m ếch nam hạng SB7), Hoàng Thị Mỹ Lệ (100m ếch nữ hạng SB8), Nguyễn Quang Vương (100m ếch nam hạng SB8), Phạm Thành Đạt (100m tự do nam hạng S8), Hồ Thị Loan (100m tự do nữ hạng S10).
Ở môn cử tạ, do VĐV Châu Hoàng Tuyết Loan (hạng 55kg nữ) của Việt Nam quá mạnh, cho nên không có VĐV nào của các nước khác đăng ký tranh tài. Dù thi đấu một mình, Tuyết Loan vẫn đều đặn nâng mức tạ từ 90, 98 kg rồi 104kg, phá kỷ lục đại hội và giành HCV. Ở nội dung thi đấu cuối cùng trong ngày là 50kg của nữ, VĐV Đặng Thị Linh Phượng giành HCV với thành tích thuyết phục 101kg, lập kỷ lục đại hội mới, vượt xa thành tích của VĐV giành HCB của Malaysia (88 kg). VĐV Nguyễn Thị Thanh giành HCB hạng dưới 61kg nữ với thành tích 84kg, kém VĐV giành HCV tới 6kg.
Đội tuyển bóng bàn người khuyết tật Việt Nam đã giành HCV đầu tiên ở hạng 1-3 (hạng nhẹ). Sau khi cặp Nguyễn Minh Lợi- Mang Phụng Tự (TP Hồ Chí Minh) thắng hai tay vợt Chee Keong- Bin Huzaini (Singapore) 3-0 ở trận đánh đôi, Nguyễn Minh Lợi lại để thua Bin Huzaini ở trận đánh đơn. Đến trận quyết định, Mang Phụng Tự đã thắng Chee Keong, qua đó giúp đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành HCV đầu tiên.
Ý kiến ()