Việt Nam được đánh giá khá tốt về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Việt Nam tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 cũng như các mục tiêu phát triển bền vững, xem đây là cách thức duy nhất để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn và có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.
Toàn cảnh Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”. (Ảnh: CTV) |
Thế giới đã có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19, xung đột chính trị leo thang và biến đổi khí hậu. Bối cảnh hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có đối với kỳ vọng hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Vì vậy, một số mục tiêu sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Đó là nội dung chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 21/12. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện Chính sách và Phát triển.
Hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển nhấn mạnh: Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.
Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên Hợp Quốc với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra, như quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia. Bên cạnh đó, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá, giám sát thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố. Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
Từ thực tiễn đó, những thảo luận, trao đổi, kiến nghị của chuyên gia tại hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện hơn cơ sở lý luận về phát triển bền vững, giúp đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về Phát triển bền vững ở Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển bền vững nhằm thúc đẩy và đưa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là một công việc thường xuyên và định kỳ báo cáo. Đến nay đã có 17/22 bộ, ngành và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Lộ trình thực hiện các mục tiêu SDGs đến năm 2030 đã được ban hành, tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các chỉ tiêu cho các chiến lược, kế hoạch, chính sách trên các ngành/lĩnh vực theo giai đoạn 5 năm, hằng năm.
Theo đánh giá của SDG Index (chỉ số thuộc Báo cáo phát triển bền vững được xây dựng năm 2015 và công bố hằng năm bởi một nhóm chuyên gia độc lập thuộc Mạng lưới phát triển bền vững của Liên hợp quốc), Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Cụ thể, Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68, năm 2020 tăng lên hạng 49. Tuy nhiên, trong hai năm qua, Việt Nam đã tụt xuống và đứng ở vị trí 55 vào năm 2022. Nguyên nhân chính của việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính, các chỉ số thêm vào làm giảm điểm của Việt Nam nhưng tăng điểm của các nước khác.
Trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng việc duy trì mức độ tiến bộ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 và những thách thức toàn cầu. “Nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế-xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế”, TS Nguyễn Việt Anh nói.
Công bố Báo cáo Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI)
Từ năm 2021, Học viện Chính sách và Phát triển đã xây dựng Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) nhằm đánh giá mức độ phát triển bền vững của từng địa phương theo các chỉ tiêu thành phần, từ đó chỉ ra mức độ phát triển bền vững, những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của từng địa phương trong năm đánh giá.
Việc xây dựng chỉ số PSDI có ý nghĩa đối với Việt Nam trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh, bao gồm cụ thể hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu trên. Chỉ số PSDI cũng cung cấp thông tin, dữ liệu cho chính quyền các tỉnh/thành phố về hiện trạng thực hiện cam kết phát triển bền vững tại các địa phương, từ đó xác định được những điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục. Nếu được công bố định kỳ, chỉ số PSDI sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách tại các địa phương.
Theo Bảng xếp hạng PSDI 2021, có 13 địa phương được đánh giá thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững, đứng đầu là Đà Nẵng với 65,28 điểm, tiếp theo là Hải Phòng với 64,09 điểm và Quảng Ninh với 63,1 điểm.
Nhóm cuối của Bảng xếp hạng là 3 địa phương Điện Biên, Cao Bằng và Hà Giang tương ứng với số điểm lần lượt là 38,55 điểm, 37,73 điểm và 37,28 điểm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()