Việt Nam đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng thị trường bán lẻ toàn cầu
Theo bảng xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2016 mà hãng tư vấn A.T.Kearney của Mỹ vừa công bố, Việt Nam đã nhảy năm bậc so với năm trước, giành vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng.
Theo bảng xếp hạng về Chỉ số Phát triển thị trường Bán lẻ toàn cầu (GDI) năm 2016 của A.T.Kearney, tốc độ phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng sau các nước là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất. Đứng sau Việt Nam trong danh sách là các nước Ma-rốc, Indonesia, Peru và Colombia.
A.T.Kearney cho rằng, với các chính sách phù hợp của chính phủ, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng và độ tuổi dân số tương đối trẻ, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan về sự phát triển của Việt Nam. Kể từ năm 2015, Việt Nam đã cho phép các tập đoàn nước ngoài thành lập các doanh nghiệp bán lẻ với 100% vốn nước ngoài. Đồng thời với những chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, năm 2016 lượng đầu tư nước ngoài đã đạt mức tăng trưởng 12,5%.
Trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam, phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Circle K và FamilyMart đã xâm nhập Việt Nam từ năm 2009 và đang có tốc độ bành trướng mạnh mẽ. FamilyMart đang có kế hoạch sẽ mở hơn 800 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2020. Trong khi đó, 7-Eleven đã ký thỏa thuận nhượng quyền với Seven System Vietnam. Tập đoàn này dự kiến sẽ mở khoảng 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới, với cửa hàng đầu tiên sẽ được mở vào năm 2018. Nhiều tập đoàn bán lẻ nổi tiếng khác như Lotte Mart, Emart của Hàn Quốc hay Takashimaya cũng đang triển khai các kế hoạch tương tự.
Bên cạnh đó, A.T.Kearney cũng đánh giá doanh số bán lẻ qua kênh thương mại điện tử ở Việt Nam cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến chiếm tới 1,2% tổng doanh thu bán lẻ ở Việt Nam vào cuối năm 2017. Mặc dù nhiều công ty đã buộc phải đóng cửa, nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư đặt cược vào kênh phân phối này.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị 118 tỷ USD.
GRDI là chỉ số do tập đoàn tư vấn A.T. Kearney xây dựng dựa theo thang điểm 100. Trong đó, thị trường nào có điểm số càng cao có nghĩa là độ hấp dẫn và triển vọng phát triển của thị trường đó càng lớn. Việt Nam từng được xếp đầu danh sách này vào năm 2008, đứng thứ 6 năm 2009 và đứng thứ 14 vào năm 2010.
Theo Nhandan
Ý kiến ()