Việt Nam đứng thứ 26 trên bảng xếp hạng về năng lực thống kê
"Kịp thời cập nhật các chỉ tiêu thông tin thống kê theo chuyên đề, như cập nhật thông tin thống kê trong khu vực các nước ASEAN; đánh giá về số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam từ khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN đồng thời đẩy mạnh công tác phân tích và dự báo thống kê, bổ sung chỉ tiêu thông tin thống kê theo vùng" là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Tổng cục Thống kê-Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 16/8, tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá những năm qua, Tổng cục Thống kê đã làm tốt vai trò tham mưu, giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về thống kê. Việc thực hiện Chiến lược phát triển thống kê đã góp phần nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Năm 2015, chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam đã đạt hơn 82 điểm, đứng thứ 26 trong tổng số 144 nước được xếp hạng, đứng thứ 3 trong tổng số 22 nước khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và đứng thứ 3 trong số 9 nước Đông Nam Á.
Đặc biệt Luật Thống kê năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đảm bảo Luật đi vào thực tiễn…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng công tác xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia, hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành và hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh, huyện nhìn chung chưa xây dựng một cách bài bản để hình thành một hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất.
Số liệu thống kê giữa các bộ, ngành còn chênh lệch nhau quá lớn gây khó khăn trong hoạch định kinh tế. Công tác phân tích và dự báo chưa thường xuyên, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng, quý và cả năm mới chỉ nêu lên được thực trạng bức tranh kinh tế-xã hội chứ chưa chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất khuyến nghị chính sách phù hợp.
Về nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Tổng cục Thống kê cần đẩy mạnh hoạt động điều tra và xử lý điều tra thống kê; thực hiện chiến lược phát triển thống kê và các đề án của ngành; ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin và truyền thông; đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong hệ thống thống kê Nhà nước.
Để thực hiện được điều này Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cần đẩy mạnh phổ biến Luật thống kê năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đảm bảo Luật đi vào thực tiễn… đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do Bộ trưởng, thủ trưởng ngành quyết định.
Tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh đến công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2016-2020.
Tổng cục Thống kê thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP). Theo đề án, từ năm 2017, Tổng cục Thống kê sẽ tính và công bố GRDP cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian qua, Tổng cục đã xây dựng nguồn thông tin đầu vào theo lãnh thổ, trong đó xây dựng cơ chế cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê của các bộ, ngành với Tổng cục để biên soạn số liệu GRDP.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết Tổng cục đã tính lại số liệu GRDP giai đoạn 2011-2015 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, đã thực hiện thí điểm “tính thử” số liệu GRDP 6 tháng đầu năm 2016 và tháng 11 sẽ tính cả năm cho các địa phương để rút kinh nghiệm khi chính thức thực hiện từ năm 2017.
Tuy nhiên, đến nay còn một số bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án gửi Tổng cục Thống kê. Việc xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê giữa các bộ, ngành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ việc biên soạn GRDP theo quy định phải hoàn thành trong năm 2015 nhưng đến nay tiến độ vẫn rất chậm.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt ra ở mức cao, chưa phù hợp với tiềm năng của địa phương sẽ gây áp lực đối với việc đánh giá kết quả thực hiện của Tổng cục Thống kê sau này.
Các địa phương yêu cầu thời gian công bố số liệu GRDP rất sớm, số liệu ước tính 6 tháng vào ngày 30/5; số liệu ước tính cả năm vào ngày 30/11.
“Điều này đòi hỏi các bộ, ngành không những phải đáp ứng yêu cầu Tổng cục Thống kê về số lượng thông tin mà còn phải đảm bảo cung cấp đúng thời gian quy định,” Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt lãnh đạo các cấp ở địa phương “nói không với bệnh thành tích” và không gây áp lực cho ngành kế hoạch và đầu tư và thống kê; sử dụng và công bố số liệu thống kê theo quy định của Luật Thống kê.
“Tổng cục Thống kê đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định lùi thời gian họp định kỳ hàng tháng của địa phương, như vậy sẽ tạo điều kiện để Cục Thống kê cấp tỉnh thu thập, tính toán và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác hơn phục vụ địa phương,” Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()