Việt Nam, Đức cùng hợp tác đưa quan hệ ASEAN-EU lên Đối tác chiến lược
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas |
Ngày 25/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas để trao đổi về quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Trong cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, nước có vai trò quan trọng tại châu Âu và trên thế giới; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả của quan hệ song phương trong 45 năm qua và đặc biệt kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Phó Thủ tướng cảm ơn Đức đã tích cực ủng hộ quan hệ hợp tác Việt Nam-EU, nhất là thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Hoan nghênh vai trò tích cực và xây dựng của Đức ở khu vực, Phó Thủ tướng mong muốn Đức, với vai trò then chốt trong EU, tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa 2 khu vực; thông qua định hướng chính sách của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về kinh tế, mở rộng thương mại-đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas đánh giá cao những thành tựu của quan hệ 2 nước, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp; phối hợp chặt chẽ triển khai Kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn 2019-2021, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực có chung lợi ích và còn nhiều tiềm năng như công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng thông minh, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề…
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020 và Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm 2020 của Đức hiện nay, 2 nước nhất trí thúc đẩy kết nối giữa 2 khu vực, trong đó có việc hướng tới thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Hai bên đã trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm; khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982./.
Ý kiến ()