Việt Nam đủ tự tin tham gia TPP
Chiều 9-10, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức họp báo cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam hoàn toàn tự tin tham gia sân chơi mới TPP nhưng không nên quá lạc quan hoặc quá lo lắng, mà quan trọng là nhận thức rõ mọi thời cơ cũng như thách thức.
Kiên trì bảo đảm các lợi ích cốt lõi
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, TPP được kỳ vọng là Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn với tổng GDP hơn 28 nghìn tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu. Cho nên, các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia. Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp. Việc Việt Nam có thể tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc TPP thực sự quan tâm các nước đang phát triển thông qua các biện pháp đa dạng để hỗ trợ một nước đang phát triển thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định.
Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Đây là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao hơn. Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến có tác dụng tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều nghiên cứu khẳng định FDI sẽ tăng sau khi TPP có hiệu lực.
Quá trình đàm phán tại Át-lan-ta (Hoa Kỳ) vừa qua, đoàn Việt Nam đã kiên trì bảo đảm các lợi ích cốt lõi, với mức độ mở cửa thị trường mà các nước đã cam kết. Các nội dung cam kết đều phù hợp định hướng hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các nước đã dành cho Việt Nam sự linh hoạt đáng kể trong việc thực thi tiêu chuẩn chung của TPP. Việt Nam là nước được nhiều linh hoạt nhất trong thực thi các cam kết khó trong TPP. Đồng thời một số nước cũng đưa ra các cam kết cụ thể về hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết sau này.
Về cắt giảm thuế nhập khẩu, nguyên tắc chung của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện là phải được cả 11 nước còn lại chấp nhận. Về dệt may, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này về dài hạn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho DN trong nước (được mua nguyên liệu với giá rẻ). Việt Nam đồng ý với nỗ lực này nhưng phải theo lộ trình hợp lý, đồng thời bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại than đá sản xuất trong nước. Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng khi mà tại DN đó, Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, mức hỗ trợ DNNN sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực thương mại, đầu tư giữa các nước TPP. Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng quốc phòng, an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của DN.
Chưa thể khẳng định TPP sẽ giúp hàng hóa rẻ đi
Sau khi nêu rõ những thách thức khi tham gia TPP, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam cho biết, hiện chưa nước nào được phép công bố cụ thể Hiệp định, nhưng tinh thần chung là, thuế nhập khẩu giảm thì giá thành hàng hóa sẽ rẻ đi. Tuy nhiên, giá bán hàng hóa trên thị trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Do vậy chưa thể khẳng định TPP sẽ làm mọi hàng hóa rẻ đi. TPP có nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các nước thành viên. Do vậy, chính phủ các nước đều có quyền duy trì thuế và phí trong nội địa. Đối với thị trường ô-tô, khi TPP có hiệu lực, có khả năng các nhà sản xuất phụ tùng ô-tô thế giới sẽ dịch chuyển sản xuất từ các nước khác vào các nước TPP. Điều này còn phụ thuộc vào mức thuế cam kết bởi thuế nhập khẩu ô-tô sẽ giảm nhưng tốc độ giảm khác nhau, phụ thuộc thị trường, kiểu xe, chủng loại xe, dung tích động cơ…
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, nhìn chung, ngành chăn nuôi trong nước có tác động nhưng sẽ không lớn như người dân lo lắng. Chúng ta sẽ có thời gian 10 năm chuẩn bị để đối đầu sức ép cạnh tranh khi thuế suất các sản phẩm chăn nuôi giảm về 0%. Đối với vấn đề nhập siêu, Thứ trưởng cho biết, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, cơ hội tiếp cận hàng hóa sẽ tăng lên. Đa số các nước đàm phán TPP như Nhật Bản, Ca-na-đa… đều là những nước có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ sung, không cạnh tranh với Việt Nam và thường Việt Nam xuất siêu sang các nước này. Theo tính toán, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng hơn là nhập khẩu, cho nên chưa có cơ sở để khẳng định là nhập siêu sẽ tăng lên sau khi TPP có hiệu lực.
Còn theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam, các cơ hội từ việc tham gia TPP không tự nhiên biến thành lợi ích, điều này phụ thuộc chủ yếu Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng DN. Có thể, thời kỳ đầu TPP, giống như thời kỳ đầu chúng ta gia nhập WTO, FDI tăng vọt, dẫn tới nhập siêu nhưng điều đó không nên lo lắng bởi các DN nước ngoài nhập khẩu máy móc để đầu tư cơ sở sản xuất. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khẳng định, Việt Nam tham gia WTO đã gần 10 năm, có thời gian dài chuẩn bị trước, cho nên chúng ta hoàn toàn tự tin tham gia sân chơi mới TPP. Tất nhiên, chúng ta không nên quá lạc quan hoặc quá lo lắng mà quan trọng là nhận thức rõ mọi thời cơ cũng như thách thức.
Sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam cùng các nước TPP thực hiện các bước: rà soát pháp lý để bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán và sẽ là công việc phức tạp, đòi hỏi nỗ lực cao độ của tất cả các đoàn đàm phán; dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định, cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 10 này trên cơ sở hoàn tất sớm rà soát pháp lý; dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu Quốc hội, người dân và các DN nghiên cứu nội dung Hiệp định; ký kết Hiệp định; thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật của từng nước, dự kiến mất từ 18 tháng đến hai năm.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025 (so với kịch bản không có TPP). Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD năm 2025. Nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ca-na-đa… giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo cú huých lớn. Riêng ngành dệt may có thể tăng kim ngạch đáng kể. Cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tạo thêm 250 nghìn việc làm. Theo các nghiên cứu, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi lớn nhất trong số 12 nước TPP.
Theo nhandan
Ý kiến ()